Trong những ngày qua, nhiều hoạt động, sự kiện đã diễn ra, hướng về Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Sự đa dạng, phong phú của các sắc màu văn hóa được giới thiệu rộng rãi cũng là tiếng nói thể hiện nguyện vọng bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa dân tộc.
“Tuần Văn hóa du lịch di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” khai mạc tối 19/11 tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam - Hà Nội. Sự kiện này được đánh giá là lần đầu tiên kết hợp giữa các đơn vị quản lý di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia các tỉnh, thành với tinh thần chung: quảng bá di sản xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tuần lễ thu hút sự tham gia của nhiều địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Ðịnh, Bắc Ninh, Thái Bình, Bắc Kạn, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau.
Khánh thành chùa Khmer là một trong những hoạt động trọng tâm của Tuần Văn hóa du lịch. |
Trước đó, tối 18/11, tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, đã khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”. Các hoạt động của tuần lễ đã diễn ra suốt những ngày qua, thu hút các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng... của 17 cộng đồng dân tộc gồm 400 người đến từ 13 tỉnh, thành như Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang. Các đoàn tham dự và quần chúng nhân dân từ các địa phương xung quanh Làng VHDL đã cùng hưởng ứng, theo dõi Hội đua bò Bảy Núi, Chợ vùng cao phía Bắc, Lễ hội Ok Om Bok cùng không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ, Lễ mừng nhà mới và Lễ hội Arieuping của dân tộc Tà Ôi (Quảng Trị), Nghi lễ Tết Xíp Xí của đồng bào Thái - Sơn La, Lễ hội Nàng Hai (dân tộc Tày, Cao Bằng) và Lễ hội Om đin Om đang (Mùa măng mọc, dân tộc Khơ Mú, Sơn La), Nghi thức đón dâu trong lễ cưới dân tộc Mông (Hà Giang)... Tại Làng VHDL cũng diễn ra một số tọa đàm, hội thảo xoay quanh vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa các dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa ở các địa phương, như Hội nghị toàn quốc khu vực phía Bắc - Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở các làng, thôn, ấp, bản, xóm, cụm dân cư...; Tọa đàm “Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đối với việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”; Hội thảo “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay”.
Một trong những hoạt động trọng tâm của tuần lễ diễn ra tại Làng VHDL là chương trình khánh thành chùa Khmer sáng ngày 23/11 - Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Ngôi chùa được khởi công xây dựng ngày 16/1/2010 với nguyên mẫu là chùa K’Leng nổi tiếng tại TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Tham gia vào việc xây dựng, trang trí ngôi chùa suốt mấy năm qua là hơn 10 nghệ nhân, thợ thủ công có tay nghề trong cộng đồng dân tộc Khmer. Người phụ trách - nghệ nhân Lý Lết ở TP. Sóc Trăng cho biết, ngôi chùa mới được làm rất giống với chùa mẫu và cố gắng làm thật đẹp, vì đây còn là một không gian văn hóa mang ý nghĩa đoàn kết và giao lưu văn hóa sâu sắc. Nói về việc giữ gìn, bảo vệ ngôi chùa, nghệ nhân Lý Lết cho rằng, chùa cần có sư trụ trì, có người phụ việc tốt, có hương khói thường xuyên thể hiện lòng thành kính, hướng đến chân thiện mỹ. Ngôi chùa Khmer đầu tiên ở Hà Nội này có ý nghĩa không chỉ với cộng đồng dân tộc Khmer mà còn với cả nước. Và có như thế, chùa mới được coi sóc tốt, được sửa chữa ngay khi có hỏng hóc hay xuống cấp.
Nguyện vọng của nghệ nhân Lý Lết cũng chính là nguyện vọng của đông đảo đồng bào các dân tộc về di sản văn hóa của dân tộc mình trong bối cảnh hiện tại, khi mà điều kiện khí hậu, môi trường có nhiều biến đổi, di sản chịu sự tác động lớn của thiên nhiên. Đồng thời, đời sống và sự phát triển đa dạng, phức tạp của xã hội, các cộng đồng dân cư cũng khiến cho di sản đứng trước nhiều nguy cơ bị vi phạm, bị bỏ quên không chăm sóc chu đáo, nâng cấp kịp thời và bảo tồn, phát huy lâu dài. Ngày Di sản văn hóa quy tụ, tôn vinh những giá trị đặc sắc của văn hóa cả nước, nhưng cũng là dịp để các cộng đồng, các ngành, các cấp kiểm tra lại những thành quả bảo tồn và tự vấn nhiều hơn về trách nhiệm giữ gìn vốn liếng quý báu của dân tộc.
Dương Xuân