Túi thuốc du lịch - Hành trang cho một chuyến đi an toàn

29-04-2022 07:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Sắp đến kỳ nghỉ 30/4-1/5, phần lớn các gia đình đều có kế hoạch đi nghỉ lễ. Bên cạnh việc chuẩn bị về tinh thần, sức khỏe, tiền bạc…thì thứ mà không thể thiếu được trong hành trang của những chuyến đi, đó là “túi thuốc”.

Ngay cả khi di chuyển đến một địa điểm quen thuộc, gần hay xa… việc mang theo một ‘túi thuốc du lịch’ có thể giúp bạn xử lý được những tình huống sức khỏe thông thường. Vậy trong túi thuốc đó cần mang những gì?

1. Thuốc kê đơn không thể thiếu với người bệnh mạn tính

Đối với những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… đang dùng thuốc để trị bệnh thì không thể thiếu các loại thuốc này. Người bệnh cần mang thuốc để uống hàng ngày theo đơn của bác sĩ đối với bệnh mạn tính của mình.

photo-1650962080843

Túi thuốc du lịch- hành trang cần thiết cho mỗi chuyến đi.

2. Một số loại thuốc không kê đơn

2.1 Thuốc chống say tàu xe: Chuyến đi sẽ kém vui nếu như ai đó bị say tàu xe (trên máy bay, tàu hỏa, xe buýt hay tàu du lịch). Thay vì giam mình trong một chuyến đi với cảm giác buồn nôn và chóng mặt, hãy mang theo thuốc chống say tàu xe như: Dimenhydrinate, meclizine… sẽ giúp bạn phòng ngừa triệu chứng này.
2.2 Thuốc trị tiêu chảy: Tiêu chảy cũng là một tình trạng xảy ra phổ biến khi đi du lịch. Nguyên nhân thường gặp nhất là do thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm… Vì vậy, bạn nên mang theo thuốc chống tiêu chảy cho bản thân và gia đình, bất kể điểm đến ở đâu.
Loại thuốc phổ biến chống tiêu chảy là: Loperamide (imodium), pepto-bismol (bismuth subsalicylate)…

2.3 Thuốc trị ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu: Vì nhiều lý do có thể làm chúng ta bị đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, ợ chua… đặc biệt là khi thử với các thức ăn, đồ uống mới…

Mang theo thuốc kháng acid như: Calcium carbonate (giúp trung hòa acid) hay famotidine (thuốc kháng acid)… trong chuyến đi có thể giúp bạn và gia đình ứng phó một cách dễ dàng với tình trạng này.

2.4 Thuốc chống dị ứng: Dị ứng cũng rất dễ xảy ra khi chúng ta đến một vùng có khí hậu khác biệt, hoặc ăn thức ăn lạ, hải sản… nhất là với những người có cơ địa dị ứng.

Các triệu chứng của dị ứng bao gồm: Nghẹt mũi, nổi mẩn, ngứa mắt và hắt hơi…

Một số thuốc chống dị ứng như: Loratadine, cetirizine... dạng uống và kem bôi chống dị ứng có thể giúp giảm tình trạng này một cách nhanh chóng.

2.5 Thuốc ho: Khi đi du lịch, mức độ phơi nhiễm với vi trùng của chúng ta tăng cao, có thể kích ứng họng gây ho. Thuốc giảm ho như viên ngậm chứa thảo dược hoặc/và tinh dầu giảm ho, có thể giúp giảm ho, giảm ngứa họng, giảm đau họng tạm thời và làm dịu cơn ho của bạn. Các loại viên ngậm này có rất sẵn trên thị trường.

2.6 Thuốc thông mũi: Một số thuốc thông mũi oxymetazoline (nhỏ, xịt), phenylephrine (uống)… cũng nên nằm trong hành trang của mỗi gia đình.

Không ai thích đi du lịch trong tình trạng bị tắc nghẽn mũi. Cho dù đó là cảm lạnh hay dị ứng, những loại thuốc này có thể làm giảm tắc nghẽn và giúp bạn dễ thở.

Lưu ý, đảm bảo rằng bạn chọn loại không gây buồn ngủ nếu bạn đang dùng thuốc này vào ban ngày.

2.7 Thuốc giảm đau và hạ sốt: Các thuốc hạ sốt, giảm đau như acetaminophen (tylenol) hoặc ibuprofen (advil) có thể giúp điều trị các chứng bệnh thông thường khi đi lại như đau nhức bàn chân hoặc đau đầu do máy bay gây ra hay bị sốt do một nguyên nhân nào đó.

photo-1650962082831

Người bệnh mạn tính cần uống thuốc đúng giờ, đều đặn hàng ngày

2.8 Thuốc nhuận tràng: Đi du lịch có thể khiến chúng ta thay đổi thói quen hàng ngày trong sinh hoạt và ăn uống…. Điều này có thể dẫn đến chứng táo bón. Một vài loại thuốc như: Polyethylene Glycol 3350 (MiraLAX), bisacodyl… có thể giúp chúng ta ứng phó với tình trạng này.

2.9 Thuốc hỗ trợ giấc ngủ: Khi đến với một nơi lạ, ồn ào hay bị chậm máy bay khiến bạn mất ngủ… Dù bằng cách nào, những công cụ hỗ trợ giấc ngủ sẽ rất cần thiết, giúp bạn sảng khoái và sẵn sàng cho một ngày mới. Do đó, một số thuốc hỗ trợ giấc ngủ, an thần cũng nên được cân nhắc như diphenhydramine (một loại kháng histamine có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ vào ban đêm). Không dùng thuốc này nếu bạn đang dùng bất kỳ sản phẩm nào khác có chứa diphenhydramine.

2.10 Một vài loại khác

Ngoài các thuốc trên chúng ta cũng nên chuẩn bị:

  • Thuốc muối tra nhỏ mắt
  • Thuốc xịt côn trùng
  • Nước rửa tay khô
  • Kem chống nắng
  • Thuốc sát trùng vết thương…

3. Vật tư y tế, thứ không thể thiếu trong túi thuốc du lịch

Ngoài thuốc, một số vật tư y tế cũng không thể thiếu trong túi thuốc du lịch. Những vật dụng này bao gồm: Nhiệt kế, bông, băng, gạc, tăm bông, một vài băng dính với các kích cỡ khác nhau…

4. Lưu ý khi dùng thuốc

- Đối với danh mục thuốc trên đây, nếu trong gia đình có trẻ nhỏ, cần chuẩn bị thêm dạng thuốc dùng phù hợp với trẻ (nhất là trẻ nhỏ). Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, nên tuyệt đối không dùng thuốc của người lớn cho trẻ em.

- Mặc dù các thuốc chuẩn bị có thể mua không cần đơn của bác sĩ, nhưng trước khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn để dùng đúng liều khuyến cáo, đúng đường dùng, dùng thuốc đúng cách. Tùy vào từng loại thuốc, những trường hợp có chống chỉ định (ghi rất rõ trong hướng dẫn sử dụng) với thuốc, thì không được dùng.

- Đối với người bệnh mạn tính cần để ý giờ uống thuốc hằng ngày, tránh bỏ thuốc hay uống thuốc thất thường, vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, dễ dẫn đến những tai biến nguy hiểm.

Mời độc giả xem thêm video:

Điều cần biết về việc khi nào tiêm vaccine COVID-19 khi trẻ vừa tiêm vaccine khác


DS Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn