Hà Nội

Túi thừa bàng quang có nguy hiểm?

16-09-2012 08:08 | Tin nóng y tế
google news

Tôi năm nay 85 tuổi. Cứ 6 tháng một lần tôi đi siêu âm, được bác sĩ cho biết tôi có túi thừa ở bàng quang. Hiện nay chưa có biểu hiện gì, nhưng tôi rất lo lắng. Xin bác sĩ cho biết bệnh túi thừa bàng quang là bệnh gì? Sắp tới có biến chứng gì nguy hiểm không? Và nên điều trị như thế nào?

(SKDS) - Tôi năm nay 85 tuổi. Cứ 6 tháng một lần tôi đi siêu âm, được bác sĩ cho biết tôi có túi thừa ở bàng quang. Hiện nay chưa có biểu hiện gì, nhưng tôi rất lo lắng. Xin bác sĩ cho biết bệnh túi thừa bàng quang là bệnh gì? Sắp tới có biến chứng gì nguy hiểm không? Và nên điều trị như thế nào?

Trần Thanh Sâm (Thành phố Vinh, Nghệ An)

Đa số túi thừa bàng quang được phát hiện ngẫu nhiên hay qua khám các triệu chứng không đặc hiệu của đường tiểu dưới như bí tiểu, tiểu máu, hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu. Phần lớn túi thừa bàng quang là bẩm sinh, biểu hiện ngay từ thời thơ ấu, ở người trưởng thành hiếm gặp. Thường chỉ có một túi thừa đơn độc, xuất hiện hầu hết ở phái nam và thường có ở vị trí sau ngoài lỗ niệu quản. Nguyên nhân cơ bản do thành bàng quang tại chỗ nối bàng quang - niệu quản yếu.
 
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Do không có lớp cơ nên chức năng tống xuất nước tiểu đọng trong túi thừa rất kém và đây là nguyên nhân dẫn tới các biến chứng tại hệ thống tiết niệu vì mỗi lần đi tiểu, nước tiểu trong túi thừa không được tống xuất hết nên có một lượng nước tiểu tồn đọng. Lâu dần túi thừa căng to sẽ gây chèn ép cổ bàng quang và đè niệu đạo dẫn đến các biến chứng như: nhiễm khuẩn đường tiểu tái đi tái lại, sỏi túi thừa, ung thư hay những biến đổi tiền ác tính, thường gặp là ứ nước ở niệu quản và thận gây suy chức năng đường tiết niệu do hậu quả tắc nghẽn hay trào ngược.

Chẩn đoán túi thừa bàng quang dựa vào chụp phim và nội soi. Xquang bàng quang - niệu đạo (VCHG) là một phương tiện hữu hiệu để phát hiện túi thừa bàng quang. Nếu túi thừa căng to gây biến chứng thì cần phẫu thuật cắt bỏ. Trường hợp của cụ quả là hy hữu, hiện tại không có biểu hiện gì thì cụ cứ yên tâm chung sống hòa bình với túi thừa. Việc khám theo dõi định kỳ để phòng biến chứng là quan trọng. Ngoài siêu âm, có thể làm xét nghiệm máu, nước tiểu để đánh giá chức năng thận, từ đó có hướng xử trí kịp thời.

BS. Nguyễn Văn Thịnh


Ý kiến của bạn