Lâu nay, chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng túi ni lông để đựng thực phẩm từ sống tới chín. Tuy nhiên, dùng túi ni lông có thực sự an toàn cho sức khỏe? Không ít người đã sử dụng một cách tùy tiện và vô tình để chất độc chết người ngấm dần hủy hoại cơ thể.
Gi gỉ gì gi đều cho vào... túi ni lông
Quan sát của phóng viên báo SK&ĐS tại các khu chợ, bất kỳ chị em nào cũng có một vài chiếc túi ni lông đựng các loại thực phẩm thịt, rau, cá ngoắc ở xe, số người cầm làn hoặc sử dụng túi giấy rất ít. Tại một dãy hàng bán đồ ăn sáng khu chợ Thành Công (Hà Nội), nhiều bà mẹ đi mua đồ về cho con, tay xách đủ các loại túi ni lông mỏng, màu hồng, trắng, xanh... để đựng bánh bao nóng, bánh cuốn nóng. Không những đựng đồ ăn khô, túi ni lông còn được đựng đồ lỏng. Nhiều hàng bán sữa đậu nành, bán nước ngô đong sữa còn nóng nguyên vào những túi ni lông trắng căng phồng. Mặc nhiên, cả người bán và người mua đều cho rằng đó là một sự tiện dụng của túi ni lông.
Theo lời của chị Huệ - người bỏ mối túi ni lông tại chợ Thái Thịnh (Hà Nội), mỗi ngày chị bán được khoảng 30-40kg túi. Giá từ 2.300 - 4.500 đồng/lạng”. Theo chị Huệ: “Túi ni lông đựng rau, thịt... ở chợ toàn được sản xuất từ nhựa tái chế. Chỉ cần nhìn qua chị có thể nhận ra túi nào tốt, túi nào xấu, thậm chí sản xuất ở đâu”. Chị Huệ thường lấy túi ở nhiều nơi như Trung Văn, Từ Liêm (Hà Nội) hay ở La Cả; La Phù (Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội), thậm chí sang cả làng Khoai (Như Quỳnh, Hưng Yên) và gần đây là quê chị (làng Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Tuy nhiên, khi được hỏi chất lượng của các loại túi, chị Huệ cho rằng, bản thân chị và không ít người tiêu dùng không quan tâm đến chất lượng của túi. Đây chính là nguy hiểm tiềm ẩn hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu để tạo ra chất dẻo làm túi phối trộn giữa 60% nhựa thông thường với 30% lượng tinh bột (thường là bột mỳ). Loại túi này chỉ mất 3-5 năm sẽ phân hủy được, không phải mất tới 500 năm như túi ni lông tái chế đang dùng. Dự kiến, sản phẩm này sẽ có giá cao hơn túi ni lông và sẽ được sử dụng phổ biến trong tương lai.
Nhiễm kim loại nặng cadimi, chì do sử dụng túi ni lông
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay, Việt Nam đang sử dụng phần lớn túi ni lông tái chế gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi cho người sử dụng. Túi ni lông có 2 loại: Loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người. Loại thứ hai (là loại chúng ta đang dùng phổ biến) chính là túi ni lông tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Trong đó, thậm chí có cả hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu... Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì... (là những chất dẫn đến bệnh ung thư).
Theo PGS. Thịnh, quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi ni lông diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt. Túi ni lông hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78-80oC sẽ khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi ni lông, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn. Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm. PGS. Thịnh đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không được dùng màng bọc thực phẩm ni lông lên bề mặt thức ăn để hâm nóng trong lò vi sóng. Sau khi bị quay nóng trong lò vi sóng tới 300 - 500oC, các màng bọc ni lông này bị chảy nhẽo và chất dẻo sẽ dính vào thức ăn. Chính vì thế, để sử dụng túi ni lông an toàn, người dân nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước. Hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn nóng, chua, cay...
Thanh Loan