Khám, chữa bệnh miễn phí
Lúc còn trẻ do thường xuyên lao động làm việc nặng, nên khi về già, cứ mỗi lúc trái gió trở trời, lưng của ông Nguyễn Tuấn (71 tuổi, trú tại thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế) lại tái đau nhức dữ dội.
Trong một lần lên chơi ở TP. Huế, sau khi nghe người thân kể về Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức (gọi tắt Phòng khám), ông Tuấn liền nhờ người con của mình chở đến để kiểm tra chứng đau lưng.
Đại đức Thích Tâm Quang chia sẻ về hoạt động của Phòng khám từ thiện.
“Sau khi được thăm khám, châm cứu, cũng như tư vấn cách điều trị trong hơn 1 tháng, bệnh đau lưng của tôi đã có thuyên giảm hơn trước. Phòng khám có cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, các bác sĩ, tu sĩ ở đây rất nhiệt tình, luôn quan tâm người bệnh”, ông Tuấn nói.
Trò chuyện cùng chúng tôi Đại đức, ThS.BS Thích Tâm Quang, Phó Giám đốc điều hành Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức cho biết, Phòng khám là đơn vị y tế từ thiện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, được xây dựng tại khuôn viên chùa Hải Đức.
Năm 2003, được sự giúp đỡ về mặt bằng từ quý Chư Tăng chùa Hải Đức và sự hỗ trợ về kinh phí xây dựng, trang thiết bị y tế khám chữa bệnh từ các tăng, ni, phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, Tuệ Tĩnh đường Hải Đức được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2004 cho đến nay.
Theo Đại đức Thích Tâm Quang, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, cũng như sự đóng góp của các nhà hảo tâm, Phòng khám đã xây dựng được một cơ sở khám chữa bệnh khang trang, đầy đủ tiện nghi với máy móc trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc khám, chữa bệnh.
Ngoài việc khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, Phòng khám còn có các khoa như Nội khoa, Nhi khoa, Răng hàm mặt, Chẩn đoán hình ảnh, Huyết học và sinh hóa, Thăm dò chức năng… hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, duy trì khám, chữa bệnh miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong suốt gần 20 năm qua.
Làm việc tại Phòng khám không chỉ có những bác sĩ, điều dưỡng là những quý tăng, ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn có sự chung tay, góp sức của cả những cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu hoặc đang công tác với trình độ chuyên môn cao.
Hiện nay, phòng khám có khoảng 46 cán bộ y, bác sĩ, trong đó 18 người là những tăng, ni, 3 bác sĩ trẻ còn lại là những y, bác sĩ trước đây công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược Huế đã về hưu. Đa số các bác sĩ đang làm việc tại đây đều có trình độ chuyên môn sau đại học.
“Những lương y làm việc đều không nhận lương, Phòng khám chỉ hỗ trợ một số ít những người làm việc tại đây một khoản chi phí nhỏ gọi là xăng xe. Với tinh thần “Người thầy thuốc từ thiện của Phật giáo”, các y, bác sĩ, lương y của Tuệ Tĩnh đường Hải Đức luôn hết lòng phục vụ bệnh nhân để góp phần đem lại sự bình an cho những bệnh nhân nghèo”, Đại đức Thích Tâm Quang chia sẻ.
Theo tìm hiểu, những người bệnh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo hoặc những người đang sinh sống tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 70 tuổi khi đến tại Phòng khám sẽ được hỗ trợ thăm khám, chữa bệnh miễn phí hoàn toàn.
Riêng đối với những bệnh nhân là người có điều kiện, Phòng khám sẽ tiến hành thu một phần phí từ các bệnh nhân này để tạo nguồn thu, phục vụ lại cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
“Ngoài sự quyên góp, vận động từ quý Chư Tôn đức, các nhà hảo tâm, Phòng khám sẽ tiến hành thu một phần phí khoảng 30 – 50% theo quy định đối với những bệnh nhân có điều kiện, thông qua các dịch vụ thăm khám cận lâm sàng, chụp phim, xét nghiệm máu để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục cho phòng khám”, Đại đức Thích Tâm Quang cho biết.
Luôn đặt tâm đức lên hàng đầu
Hơn một tháng nay bà Nguyễn Thị Loan (52 tuổi, trú tại TP. Huế) thường xuyên đến Phòng khám để điều trị căn bệnh gai cột sống. Từ ngày đến phòng khám, bệnh của bà Loan đã thuyên giảm đi nhiều.
“Lưng tôi thường xuyên bị đau việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Biết được Phòng khám qua một người quen giới thiệu nên tôi đã đến đây để khám thì được bác sĩ chẩn đoán mình bị đau gai cột sống. Sau một thời gian điều trị bằng phương pháp cấy chỉ, bệnh tình đã đỡ hơn rất nhiều”, bà Loan cho biết.
Cũng đang ngồi chờ đến lượt để vào siêu âm kiểm tra lại chứng đau đại tràng, ông Lê Văn Tâm (57 tuổi, trú tại TP. Huế) chia sẻ, ông bị đau đại tràng hơn 2 năm nay, không giảm. Sau khi biết đến Phòng khám từ thiện ông đã đến khám sau đó được quý thầy cô cấp thuốc về uống.
“Khi đến khám bệnh tại đây, ngoài việc được khám, chữa bệnh được miễn phí, các sư thầy, sư cô cùng với y bác sĩ ở đây luôn ân cần, thăm hỏi, động viên người bệnh. Thật sự tôi cảm thấy rất an tâm khi đến đây điều trị”- ông Tâm chia sẻ.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Phòng khám đa khoa Tuệ tĩnh đường Hải Đức đón khoảng 160 bệnh nhân đến khám và điều trị với các chứng bệnh như bệnh gai cột sống, xương khớp, các bệnh về hô hấp… Các bệnh nhân đến từ nhiều địa phương khác nhau cả trong và ngoài tỉnh.
Đại đức Thích Tâm Quang chia sẻ, là một người xuất gia và được học ngành y nên tôi luôn cố gắng, nguyện đem hết tâm lực, trí tuệ của mình đã học được để chữa bệnh cứu người.
“Đã là người thầy thuốc, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn đặt tâm đức lên hàng đầu, luôn vì người bệnh dù cho họ là ai. Mình hoàn thành tốt công việc, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tất cả mọi người, đó cũng chính là sự cao cả của nghề y”, Đại đức Thích Tâm Quang tâm sự.
Bên cạnh thực hiện tốt chuyên môn, nghiệp vụ tại Phòng khám, thời gian qua các tăng, ni, bác sĩ còn tổ chức các hoạt động thăm khám bệnh, tặng quà miễn phí cho người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Phòng khám cũng được kích hoạt để làm nơi thu dung, điều trị F0.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong việc tình nguyện cùng đoàn y tế của tỉnh vào miền Nam hỗ trợ chống dịch, Đại đức Thích Tâm Quang đã điều hành, cùng các thầy thuốc tham gia thu dung, điều trị thành công cho nhiều ca F0 đến điều trị, cách ly tại Phòng khám.
Với mong muốn đem lại sức khỏe và hạnh phúc cho nhân dân, những năm qua, Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn để qua đó dần trở thành địa chỉ quen thuộc và là điểm tựa vững chắc của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như các tỉnh lân cận đến khám và điều trị bệnh.