Tục bắt cóc cô dâu ở Kyrgyzstan

05-05-2017 14:22 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tục bắt cóc cô dâu và hôn nhân cưỡng bức phổ biến ở Kavkaz, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Ethiopia, Ellada (Hy Lạp cổ đại) và nhiều nước khác.

Lợi ích của việc bắt cóc cô dâu đối với chú rể là ở chỗ anh ta không phải trả tiền dẫn cưới cho bố mẹ cô dâu. Thông thường chú rể cùng với bạn bè của mình hay chỉ riêng bạn bè của chú rể bắt cóc cô dâu và đưa về nhà mình. Ở đấy những người thân của chú rể tìm cách an ủi cô gái vừa bị bắt cóc và thuyết phục cô ta lấy kẻ bắt cóc làm chồng.

Ở Trung Á (Kyrgyzstan, Kazakhstan) vụ việc thường dừng lại ở gây áp lực tâm lý. Nếu cô gái ngủ qua đêm trong nhà chàng rể thì được coi là ô nhục, bất kể có quan hệ tình dục với người bắt cóc hay không. Sau đó cơ hội lấy chồng của cô ta rất ít. Điều đó bắt buộc cô gái đồng ý kết hôn với kẻ bắt cóc.

Tuy nhiên, đôi khi việc bắt cóc cô dâu diễn ra với sự thỏa thuận của mọi người như một nghi lễ cho phép bỏ qua một số điều cấm kỵ truyền thống. Ví dụ, nếu em gái theo phong tục không được lấy chồng trước chị gái thì bố mẹ không thể đồng ý cho kết hôn, và vì vậy em gái buộc bị “bắt cóc”. Sau một thời gian, đôi bạn trẻ đến nhà bố cô dâu xin lỗi, nhưng ông ta vẫn “nguyền rủa” và “tống cổ” họ, và chỉ “tha thứ” khi đứa con đầu tiên chào đời.

Bắt cóc cô dâu ở Kyrgyzstan

Bắt cóc cô dâu (ala kachuu) cho đến nay vẫn còn tồn tại ở Kyrgyzstan. Thuật ngữ này biểu thị những hành động khác nhau, bắt đầu từ việc các cô dâu bí mật chạy trốn khỏi nhà mình đến việc họ bị bắt cóc ngoài ý muốn.

Bà Larisa Ilibezova, chuyên gia về các vấn đề giới tính, dựa trên công trình khảo sát “Giới tính trong sự tiếp nhận của xã hội-2016” của Ủy ban thống kê quốc gia, nhận xét rằng các vụ bắt cóc cô dâu ở Kyrgyzstan đang có xu thế giảm.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ phát triển xã hội, năm 2013, ở Kyrgyzstan ghi nhận 60% các cuộc hôn nhân ở khu vực nông thôn diễn ra dưới hình thức bắt cóc cô dâu. Trong số đó có 2/3 thiếu sự đồng ý của cô dâu.

Cách đây không lâu các phương tiện thông tin đại chúng trong nước cho biết từ năm 2012 ở Kyrgyzstan mỗi ngày diễn ra 32 vụ cướp cô dâu, 6 trong số đó đi kèm với cưỡng hiếp. Mỗi năm số lượng vụ bắt cóc cô dâu vượt quá 10.000.

Và gần đây nhất trang web In the NOW vừa công bố một băng video “Cướp dâu – một hiện thực khủng khiếp của thế kỷ XXI”. Theo đó, bắt cóc cô dâu diễn ra ở 17 nước, nhưng nhiều nhất ở Trung Á và một số khu vực ở Nga. Cứ 40 phút, ở Kyrgyzstan, xẩy ra một vụ bắt cóc cô dâu.

Nhà bào vệ nhân quyền của tổ chức Human Rights Aygul Alimkulova nhấn mạnh rằng bao giờ cũng có một nhóm người lớn tham gia việc này. “Một số thanh niên, gia đình của cả chàng trai và cô gái tham gia bắt cóc cô dâu. Ngoài ra con có những người đáng kính nào đó trong làng, và rất tiếc, còn có các chức sắc tôn giáo tham gia”, - bà nói.

“Người dân Kyrgyzstan có một tâm lý: đã lấy chồng rồi là không còn đường trở lại, hãy sống, cho dù hắn là một quái vật”, - một phụ nữ trong cuốn băng chia sẻ.

Trở ngại lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề là nhiều vụ án hình sự không được xét xử một cách công bằng, mặc dù cướp dâu bị coi là phạm pháp. Đối với một số cô gái chỉ còn một lối thoát – tự tử.

Chính những số liệu trên khiến bà Larisa Ilibezova hoài nghi. “Chúng hoàn toàn không được kiểm tra, còn phương pháp luận không rõ ràng”, - bà nói. Theo bà, Ủy ban thống kê quốc gia là cơ quan nhà nước, có phương pháp luận hẳn hoi. Trong tài liệu khảo sát “Giới tính trong sự tiếp nhận của xã hội”, tất cả được trình bày mạch lạc”.

Theo tài liệu này, ở Kyrgyzstan có 20% các cuộc hôn nhân diễn ra bằng hình thức bắt cóc (với sự đồng ý hay không đồng ý của cô dâu). Các cuộc hôn nhân được thực hiện thông qua bắt cóc phụ nữ thiếu sự đồng ý của họ diễn ra khắp nơi (ở các mức độ khác nhau): từ 2% ở thủ đô Bishkek đến  21% ở tỉnh Naryn. Đồng thời hơn một nửa số đàn bà và đàn ông được hỏi (tương ứng 55% và 56%) cho rằng trong 5 năm gần đây, những trường hợp bắt cóc cưỡng ép cô dâu  (không được đồng ý) bắt đầu xẩy ra ít hơn.

Ít hơn một chút, có 48% phụ nữ và đàn ông cho rằng các trường hợp bắt cóc không cưỡng ép (có sự đồng ý) đã giảm xuống.

Có gần 20%  phụ nữ và nam giới được hỏi cho rằng trong 5 năm gần đây, số vụ bắt cóc cô dâu cưỡng ép và không cưỡng ép không thay đổi.

Cứ 10 người tham gia cuộc khảo sát (11% phụ nữ và 12% đàn ông) thông báo rằng tại cộng đồng của họ trong 5 năm gần đây, đã xẩy ra các trường hợp bắt cóc cô dâu không cưỡng ép, và 4% số người được hỏi xác nhận sự gia tăng các trường hợp bắt cóc cô dâu cưỡng ép (không được sự đồng ý).

Cuộc khảo sát nói trên diễn ra tại 5950 hộ gia đình, gồm 16145 người từ độ tuổi 15 trở lên tham gia, trong số đó có 8669 phụ nữ, 7676 đàn ông.


Trần Hậu
Ý kiến của bạn