Tuân thủ pháp luật về BHYT, BHXH cho người lao động cũng là đạo đức của doanh nghiệp

15-11-2022 12:16 | Y tế

SKĐS - VCCI đã công bố bộ tiêu chí quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với 6 tiêu chuẩn nhằm nâng cao nhận thức của doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững. Các khuyến khích thực hành này cũng bao hàm nội dung tuân thủ pháp luật về BHYT, BHXH.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trao đổi xung quanh vấn đề này

PV: Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn là vấn đề "nóng". Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Tuân thủ pháp luật về BHYT, BHXH cho người lao động cũng là đạo đức của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Hoàng Quang Phòng: Chúng ta vừa trải qua 2 năm 2020- 2021 khó khăn, khi các doanh nghiệp và cả đất nước phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, tổn thất về con người và kinh tế là vô cùng lớn. Dịch bệnh vẫn khiến nền kinh tế cả nước và các doanh nghiệp chưa hết lao đao trong nửa đầu năm 2022. 

Trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, khi vừa lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động (NLĐ), vừa hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch của cả nước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp không ký được hợp đồng mới, gặp muôn vàn khó khăn để duy trì sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, một số duy trì hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của NLĐ không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHXH đúng hạn... 

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận thực tế, ngoài khó khăn khách quan, vẫn có bộ phận doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về BHXH, BHYT cho NLĐ, do không nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Vẫn còn tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT ở cả giai đoạn trước COVID-19... Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ; đồng thời cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho chính doanh nghiệp đó.

Như tôi đã đề cập ở trên, việc chăm lo tốt cho NLĐ là một yếu tố thể hiện đạo đức kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách trực tiếp. Việc doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về quyền lợi NLĐ là yếu tố quan trọng trong chiến lược của doanh nghiệp và có thể mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh tốt hơn bên cạnh các lợi thế khác.

PV: Theo ông cần có giải pháp gì để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật liên quan đến các chính sách an sinh xã hội của NLĐ từ phía doanh nghiệp?

Ông Hoàng Quang Phòng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của NLĐ ngày càng được coi trọng. NLĐ là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nên trước hết, họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đây là cách tiếp cận hiện đại và thực tế, trở thành xu thế gần đây trên thế giới.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người SDLĐ và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, VCCI thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, định hướng các yêu cầu tuân thủ cho doanh nghiệp và nâng cao đạo đức doanh nhân để theo kịp các yêu cầu của thị trường, đảm bảo sự phát triển bền vững. 

Tháng 5/2022 vừa qua, VCCI đã công bố bộ tiêu chí quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với 6 tiêu chuẩn gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. 

Bộ Tiêu chí này được VCCI phát động thực hành nhằm nâng cao nhận thức của doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Các khuyến khích thực hành này cũng bao hàm nội dung tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT của doanh nghiệp.

Tuân thủ pháp luật về BHYT, BHXH cho người lao động cũng là đạo đức của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Việc chăm lo tốt cho NLĐ là một yếu tố thể hiện đạo đức kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách trực tiếp (Ảnh minh hoạ)

PV: Vậy, theo ông để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến các doanh nghiệp thì cần phải làm gì?

Ông Hoàng Quang Phòng: VCCI mong muốn BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, để cùng VCCI nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến các doanh nghiệp, giúp thay đổi nhận thức, tính tuân thủ cao của doanh nghiệp; từ đó góp phần hạn chế tình trạng thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện công tác BHXH tại các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, VCCI cũng mong rằng BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp cải cách thủ tục hành chính. 

Đây chính là động thái tích cực, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển, tạo được tiềm lực kinh tế vững vàng, góp phần thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng nói chung và với NLĐ tại mỗi doanh nghiệp nói riêng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông !

Tôn vinh 103 doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ở phía Nam Tôn vinh 103 doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ở phía Nam

SKĐS - Theo Ban Tổ chức, 103 doanh nghiệp được BHXH Việt Nam vinh danh tại Lễ tôn vinh lần này là các đơn vị sử dụng lao động thuộc khối các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động và có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN

Thái Bình
Ý kiến của bạn