Tuân thủ dùng thuốc ở người loạn thần nặng

27-12-2011 07:10 | Dược
google news

Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh lý loạn thần nặng, với tỉ lệ mắc vào khoảng 1% dân số. Người bệnh có những biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc nặng, không thể thích nghi được với cuộc sống hàng ngày. Hiện nay việc điều trị bệnh chủ yếu là liệu pháp hóa dược.

Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh lý loạn thần nặng, với tỉ lệ mắc vào khoảng 1% dân số. Người bệnh có những biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc nặng, không thể thích nghi được với cuộc sống hàng ngày. Hiện nay việc điều trị bệnh chủ yếu là liệu pháp hóa dược.

Việc điều trị bệnh càng sớm thì càng hồi phục nhanh và ngăn chặn được tình trạng sa sút về tâm thần của người bệnh. Nguyên nhân của bệnh được xác định là do có sự biến đổi về các chất dẫn truyền thần kinh trong não ở hai hệ dopamin và hệ serotonin. Thuốc sử dụng trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt là loại thuốc an thần kinh và được chia ra làm 2 nhóm: loại thuốc an thần kinh điển hình và không điển hình.

Đây là một bệnh mạn tính, việc sử dụng thuốc phải duy trì thường xuyên, gần như suốt đời. Nếu bệnh nhân tâm thần phân liệt được điều trị sớm thường xuyên, liên tục bệnh tiến triển tốt và có thể làm việc, công tác được. Nếu không uống thuốc thường xuyên, tỉ lệ tái phát là rất cao (trong 1 năm đầu là 70% và trong 2 năm tiếp theo là hơn 90%).

Tuy nhiên, diễn biến tự nhiên của bệnh rất phức tạp và có khoảng từ 15% đến 20% bệnh nhân chỉ khởi phát một giai đoạn bệnh, sau đó khỏi hoàn toàn, không có biểu hiện triệu chứng nào của bệnh. Nhưng cũng có những trường hợp mặc dù vẫn duy trì thuốc thường xuyên nhưng bệnh vẫn có thể nặng lên với những triệu chứng rầm rộ như một đợt tái phát mới của bệnh.

Một nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt là do gen.

Đối với những người bệnh này, việc tuân thủ điều trị thường gặp phải những khó khăn nhất định vì nhiều lý do:

 Do bản chất của bệnh: đây là một bệnh lý rối loạn về tư duy, nhận thức của bệnh nhân, người bệnh thường không công nhận là mình có bệnh, do vậy không hợp tác với thầy thuốc chữa bệnh, không hợp tác với gia đình. Bệnh thường biểu hiện với những hoang tưởng, ảo giác, mang tình chất kỳ dị, cho là với những hoang tưởng bị người khác nhập vào mình, bị người khác đầu độc, với những ảo thanh nghe thấy tiếng người nói trong đầu và điều này làm cho nhiều người trong gia đình duy tâm, mê tín tin theo lời người bệnh, không đưa bệnh nhân đến bệnh viện mà đưa đi cúng, lễ, xem bói, lên đồng...

Do bệnh nhân thường không thừa nhận là mình có bệnh nên phải cho bệnh nhân uống thuốc bằng cách trộn vào thức ăn, nước uống vì vậy uống thuốc không đều và khi người bệnh phát hiện thì thường không chịu uống tiếp.

 Thuốc dùng gặp nhiều tác dụng phụ không mong muốn: làm người bệnh khó chịu, đặc biệt là những thuốc an thần kinh cổ điển, gây ra nhóm tác dụng phụ ngoại tháp, thường gặp với các loại thuốc haloperidol, làm cho người bệnh bồn chồn, bứt dứt, đứng ngồi không yên, gây ra hội chứng giả Parkinson, ăn khó, nói khó, đi lại chậm chạp... Thuốc còn gây loạn trương lực cơ cấp, bệnh nhân có biểu hiện trợn mắt, lè lưỡi, ngoẹo cổ... làm bệnh nhân và người nhà hoảng hốt, sợ hãi và từ chối điều trị. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ về nội tiết tố như gây ra chứng vú to, tiết sữa, rối loạn kinh nguyệt như chậm kinh, mất kinh và rối loạn chức năng tình dục.

Với loại thuốc an thần kinh không điển hình, tuy không gặp tác dụng phụ ngoại tháp nhưng tác dụng không mong muốn thường gặp là gây rối loạn chuyển hóa đường, mỡ máu, dẫn đến hội chứng chuyển hóa, là nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh lý về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Thuốc kích thích ăn uống, làm cho người bệnh ăn nhiều, dẫn đến béo phì.

 Ảnh minh họa (nguồn Internet).

 Do phải dùng thuốc lâu dài:

Bệnh tâm thần phân liệt là một loại bệnh do có sự rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh trong não, vì vậy để thiết lập lại sự ổn định các chất dẫn truyền này cần phải uống thuốc lâu dài, không chỉ vài ngày như một bệnh lý nhiễm trùng, vì vậy người bệnh thường hay quên thuốc, muốn bỏ thuốc vì cho là mình đã khỏi bệnh. Người nhà cũng không kiên trì, tâm lý người bệnh không muốn thừa nhận là mình có bệnh trước người khác, nhất là những người bệnh còn đang trẻ.

Một câu hỏi mà bệnh nhân và người nhà thường đặt ra cho bác sĩ là người bệnh phải dùng thuốc đến bao giờ? Câu hỏi này thực sự khó trả lời đối với các nhà tâm thần học trong nước cũng như thế giới vì chưa có một nghiên cứu nào trả lời chính xác được thời gian điều trị duy trì là bao lâu để có thể ngăn ngừa sự tái phát tốt nhất. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khi bệnh tái phát thì việc điều trị thường gặp khó khăn hơn, các triệu chứng nặng hơn và ảnh hưởng đến nhiều chức năng hoạt động làm cho người bệnh gặp khó khăn khi hòa nhập cộng đồng.

Như vậy để điều trị tốt cho người bệnh tâm thần phân liệt, việc đầu tiên là phải giúp cho người bệnh và gia đình thấy rõ việc tuân thủ điều trị là rất quan trọng, không nên tự ý ngừng thuốc, không nên dùng các loại thuốc Đông y hoặc thuốc Nam, không đi cúng lễ. Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện và xử lý kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc.          

  BS. Trịnh Thị Bích Huyền


Ý kiến của bạn