Tuần thứ 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: Dành 2,5 ngày thảo luận về KT-XH và ngân sách nhà nước

28-10-2019 06:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong tuần làm việc thứ 2 (từ ngày 28/10-1/11), Quốc hội dành hai ngày rưỡi (từ sáng 30/10 đến hết sáng 1/11) để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019;

kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020; Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Cuối phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong tuần làm việc thứ 2

Trước đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đây là 2 dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Dự kiến, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này.

Quốc hội cũng sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về các nội dung này.

Trong tuần làm việc, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015...

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu.

Cải cách bộ máy Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn

Vào cuối tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Một trong những vấn đề được quan tâm là có giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban Chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Với tinh thần tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong lần này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng 1 luật để sửa 2 luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính Nhà nước.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề xuất mỗi tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, không phụ thuộc vào Chủ tịch HĐND tỉnh có chuyên trách hay không? Bởi theo xu thế, Bí thư Tỉnh ủy sẽ kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, trong khi việc thực hiện giám sát, quyết định các vấn đề lớn của HĐND ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi cần có chuyên môn và “toàn tâm toàn ý” cho hoạt động của HĐND. Đồng thời, nên tính toán để 1 Phó Chủ tịch HĐND kiêm Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH để có thể truyền tải được nhiều thông tin, ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn.

Theo quan điểm của đại biểu Hiểu, khi bàn giảm hay tăng đại biểu hoạt động chuyên trách thì giảm chỗ nào cần giảm, chỗ nào cần giữ thì phải giữ. Quan trọng nhất là chúng ta phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu HĐND, đây mới là cái gốc của vấn đề. Nếu không dù tăng biên chế, giữ nguyên hay thế nào thì cũng không giải quyết được. Ngoài ra, có thể dẫn đến việc rất phản cảm mà có nhiều nơi người ta dùng đến từ “nghị gật”, tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được.

Đề cập đến việc phân cấp, phân quyền hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) phân tích: Luật sửa đổi lần này tuy có tiến bộ hơn nhưng cũng vẫn chỉ là sửa đổi về nguyên tắc mà thôi, trong khi cần có quy định cụ thể hơn việc phân quyền, phân cấp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp như Luật cần quy định rõ “việc gì Trung ương làm, việc gì địa phương làm”. Nhìn vào đó là biết mình làm gì, thẩm quyền tới đâu để căn cứ vào đó mà làm. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tán thành phương án nên có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, thành phố hoạt động chuyên trách. Đồng thời, không nên cào bằng số lượng Phó Chủ tịch HĐND và các phó trưởng ban của HĐND giữa các các tỉnh, thành phố với nhau. Có như vậy, mới nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát, bảo đảm thực lực, thực quyền của HĐND...


Dương Tuấn
Ý kiến của bạn