Tuần phim tài liệu quốc tế: Học cách ra rạp - Tại sao không?

17-06-2009 16:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-19/6, Tuần phim Tài liệu Quốc tế với sự tham gia của 5 quốc gia được xem là cơ hội để các nhà làm phim Việt tiếp cận với các cách làm phim khác nhau và học cách đưa phim ra rạp - điều mà nhiều quốc gia ở châu Âu đang thực hiện khá thành công.

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-19/6, Tuần phim Tài liệu Quốc tế với sự tham gia của 5 quốc gia được xem là cơ hội để các nhà làm phim Việt tiếp cận với các cách làm phim khác nhau và học cách đưa phim ra rạp - điều mà nhiều quốc gia ở châu Âu đang thực hiện khá thành công.

Theo đánh giá của ông Trưởng phái đoàn Wallonie-Bruxells tại VN, sau nhiều thập kỷ bị phim thương mại khống chế, vài năm trở lại đây, phim tài liệu đã phát triển và lượng khán giả cũng tăng lên. Hầu hết các phim chiếu rạp, tập trung vào những mảng đề tài đang được dư luận quan tâm như: đời sống lao động; sự hòa nhập văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa; môi trường và sự ô nhiễm; cuộc sống riêng tư của con người... Tất nhiên, để những đề tài này trở thành những bộ phim chạm tới cảm xúc của người xem cần tới tài năng của người làm phim kết hợp với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật số. Theo đó, cùng 1 đề tài có thể có tới hàng trăm cách thức tiếp cận và thể hiện khác nhau. Đơn cử như với đề tài về sự hội nhập văn hóa của người lao động ở những môi trường khác với xuất xứ của họ, hai đạo diễn người Đức Urike Franke và Michael Loeken đã quan sát các mâu thuẫn giữa một số nhân viên Đức tại nhà máy than đá ở Dortmund với 400 công nhân người Trung Quốc lao động tại đây. Bằng cảm quan tinh tế, các nhà làm phim đã cho khán giả thấy sự hòa nhập văn hóa khó khăn của những người lao động ở một đất nước khác với nguồn gốc của họ (phim Kẻ thắng người thua). Trong khi đó, ở Gầm cầu mặt nước,  đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung lại phân tích sự hòa nhập ở một khía cạnh bình dị hơn khi  cho máy quay cận cảnh cuộc sống của những người dân tứ xứ ngụ dưới chân cầu Long Biên. Đằng sau sự chật vật để hội nhập cuộc sống nơi đô thị là những tấm lòng chan chứa tình người.

 Cảnh trong phim Người thắng kẻ thua.
Hay, ở đề tài chiến tranh và cuộc sống hậu chiến, đạo diễn Christian Frei sử dụng  sự hỗ trợ đặc biệt của các thiết bị kỹ thuật số để theo sát nhà nhiếp ảnh người Mỹ James Nachtwey  tại các điểm nóng như Indonessia, Kosovo, Palestine. Còn đạo diễn Trần Văn Thủy lại  tạo ấn tượng cho phim Trở lại Ngư Thủy bằng  những khuôn hình dung dị; sự kết hợp hài hòa có tính tương phản giữa  hình ảnh hiện thực và quá khứ; để trình ra trước người xem cuộc sống đời thường đầy những lo toan chật vật của những người nữ anh hùng Ngư Thủy bước ra từ khói lửa chiến tranh...

Khẳng định, phim tài liệu đang đắt khách ở các rạp châu Âu, đại diện của Đại sứ quán Italia tại Hà Nội cho rằng, ở Italia hiện nay, phim tài liệu được yêu thích không kém phim truyện. Thậm chí có những phim "sốt" khán giả do đề tài và cách thể hiện táo bạo, mới lạ. Nếu như người xem thưởng thức phim truyện với tinh thần giải trí thì lý do họ đến với phim  tài liệu là để xem những vấn đề được xem là "nóng", đang "bức xúc" được nhìn nhận, đánh giá và có hướng giải quyết thế nào?

Trông người để ngẫm đến ta, mới thấy phim tài liệu của VN thời gian gần đây chưa tìm lại được sức mạnh  vốn có của nó - điều mà  một số  phim tài liệu trước đây đã làm được. Và vì thế, nó chưa có được vị trí ngoài rạp, cho dù là với tư cách "chiếu kèm" phim truyện như một "bản tin miễn phí". Tất cả những điều này sẽ được các nhà làm phim chia sẻ, trao đổi trong workshop tổ chức vào sáng ngày 19/6 với sự dẫn dắt của 2 đạo diễn  Violaine de Villers (Bỉ) và Joseph Péaquin (Italia).

Chu Thu Hằng


Ý kiến của bạn