Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 - thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mẹ và bé vùng đồng bào DTTS

24-09-2023 08:31 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS -  Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1 - 7/10 trên địa bàn 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong khuôn khổ Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), Bộ Y tế đã có hướng dẫn triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023.

Theo đó, Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 có chủ đề là "Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé" sẽ diễn ra từ ngày 1 - 7/10 trên địa bàn 51 tỉnh thuộc Chương trình MTQG 1719 nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em, góp phần đạt mục tiêu của Chương trình.

Đây là thông tin tại Hội nghị Chia sẻ thông tin về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam và Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) vừa tổ chức.

Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 - thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mẹ và bé vùng đồng bào DTTS- Ảnh 1.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng dân tộc thiểu số.

Thông tin tại Hội nghị, trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm nay, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tổ chức được ít nhất 1 hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn. Cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh tại địa phương. Có ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã được cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em gồm 3 gói dịch vụ làm mẹ an toàn gồm: Chăm sóc trước sinh; Hỗ trợ chăm sóc khi sinh; Hỗ trợ chăm sóc sau sinh.

Trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn, các cán bộ tập trung giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về lợi ích của việc khám thai định kỳ, quản lý thai nghén; giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em có sẵn tại địa phương, bao gồm cả dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến... để tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các nội dung giáo dục sức khỏe về Làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu...

Kết thúc Tuần lễ Làm mẹ an toàn, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Chương trình, các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Y tế (qua Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em) trước ngày 15/11/2023 để tổng hợp.

Mục tiêu của chương trình Làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Nhiều kết quả tích cực trong đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu sốNhiều kết quả tích cực trong đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số

SKĐS - Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đã xây dựng Dự án số 7 nhằm chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Xúc động hành trình xây nhà vệ sinh tặng cô trò điểm trường miền núi Na Khê, Hà Giang.



T. Vũ
Ý kiến của bạn