Năm 2021, Hiệp hội Glaucoma thế giới (WGA) và cộng đồng quốc tế tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Glaucoma thế giới” diễn ra từ 07/3 đến 14/3/2021 trên toàn thế giới với chủ đề “The world is bright, save your sight” nhằm gửi thông điệp tới cộng đồng: Hãy bảo vệ thị giác của bạn, vì thế giới tươi sáng.
Tại Hà Nội, ngày 07/3/2021 đến 13/3/2021 Bệnh viện Mắt TW tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Glaucoma với các hoạt động khám, tư vấn, khám, đo nhãn áp miễn phí cho các người dân nghi ngờ bị Glaucoma vào các ngày làm việc trong tuần tại C 502 và E.504, BV Mắt TW, địa chỉ 85 phố Bà Triệu, Hà Nội.
Trước đó, Ban chỉ đạo Quốc gia PCML Bộ Y tế và Bệnh viện Mắt TW đã có công văn gửi tới sở y tế, các đơn vị nhãn khoa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc kêu gọi tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Glaucoma năm 2021 bằng các hoạt động như mít tinh, tuyên truyền, tư vấn và khám bệnh miễn phí...
TS. Dương Quỳnh Chi- Phó khoa Glaucoma, Bệnh Viện Mắt TW cho biết; Glaucoma là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Một vấn đề đáng báo động là người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị Glaucoma do tra corticoid kéo dài. Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc. Nếu dùng những thuốc này trong thời gian dài, có thể dẫn đến mắt bị Glaucoma.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt TW khám tầm soát bệnh Glaucoma miễn phí cho người dân
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma nhập viện khi bệnh đã trầm trọng, thị lực rất thấp, thị trường thu hẹp, nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao. BS Chi cho biết thêm.
Là một trong những bệnh nhân mắc bệnh Glaucoma gần 10 năm. Bà N. 68 tuổi quê Nam Định cho biết: Thời gian đầu bà nhìn mọi vật đều mờ như sương mù, đau và khó chịu. Một thời gian sau, hai mắt của bà N. đã không còn thấy rõ nữa, đặc biệt mắt phải có dấu hiệu đau nhức lan lên nửa đầu, thường xuyên khó chịu. "Thời gian đầu tôi không biết, toàn sử dụng thuốc nhỏ mắt tự mua nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau không đỡ tôi khám các bác sĩ thông báo tôi bị bệnh Glaucoma góc mở và tôi đã phải mổ mắt một lần. Từ năm 2013 đến nay, tôi thường xuyên tầm soát và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ nên mắt tôi hiện nay nhìn rõ. và bác sĩ cho biết bệnh lý của tôi không nặng thêm" - bà N. nói.
Theo THS. BS Hoàng Thị Hiền -Khoa Glaucoma, Bệnh Viện Mắt TW cho biết có nhiều nguyên nhân gây bệnh Glaucoma. Một số có thể xảy ra do biến chứng của các bệnh mắt khác (Glaucoma thứ phát) nhưng phần lớn không có nguyên nhân nào rõ ràng (Glaucoma nguyên phát). Ngoài ra, một số dạng bệnh Glaucoma có thể xảy ra ngay sau khi sinh (bẩm sinh) hoặc trong giai đoạn nhũ nhi và chưa thành niên.
THS. BS Hoàng Thị Hiền -Khoa Glaucoma- Bệnh Viện Mắt TW khám mắt cho bệnh nhân Glaucoma .
Theo thống kê số lượng bệnh nhân mắc Glaucoma hầu hết các trường hợp bệnh Glaucoma xuất hiện sau tuổi 40 và tỉ lệ bệnh gia tăng theo tuổi, không có sự khác biệt rõ tỉ lệ mắc bệnh Glaucoma giữa nam và nữ.
"Có nhiều nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất để kiểm soát được bệnh Glaucoma là bệnh cần phải được phát hiện sớm và điều trị sớm trước khi tình trạng mất thị lực trở nên trầm trọng" - bác sĩ Hiền nói.
Theo BS Hiền, nếu ở trong nhóm nguy cơ cao (nhóm dễ mắc bệnh Glaucoma) như những người trên 60 tuổi, trong gia đình có người bị bệnh Glaucoma, những người bị viễn hoặc bị cận nặng, bệnh nhân cần phải đi khám mắt định kỳ 2 năm/lần ở bệnh viện mắt chuyên sâu.
Khi mắt có các triệu chứng Glaucoma hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao vừa nêu trên thì nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt ngay và tái khám định kỳ.