Tuần lễ cấp cao APEC: Kinh tế, chìa khoá của tăng trưởng?

17-11-2015 11:09 | Quốc tế
google news

SKĐS - Với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23 tổ chức tại Manila, Philippines sẽ thảo luận nhiều nội dung, tạo động lực mới cho tăng trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị APEC lần thứ 23 (16-19/11) dự kiến sẽ tập trung vào nhiều nội dung như: Tăng trưởng bền vững, bao trùm; Liên kết kinh tế và hệ thống thương mại đa phương; Tăng cường tham gia của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Cộng đồng bền vững và tự cường.

Diễn ra bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những chuyển biến nhanh và phức tạp, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, song hợp tác và liên kết kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong tuần cấp cao APEC 2015, nước chủ nhà Philippines đặc biệt đề cao các nội hàm hợp tác về MSMEs, an ninh lương thực, ứng phó thiên tai, phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới...nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng khu vực, vừa góp phần xây dựng cộng đồng bền vững và tự cường.

Tuần lễ cấp cao APEC: Kinh tế, chìa khoá của tăng trưởng?

Tuần lễ cấp cao APEC 2015 đang diễn ra tại Manila (Philipines).

Các nhà lãnh đạo APEC kỳ vọng, tuần lễ cấp cao lần này sẽ đạt nhiều đột phá quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng. Mở màn cho tuần lễ cấp cao lần này, là sự kiện Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 27 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Phát biểu khai mạc Hội nghị chiều 16/11, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Công thương Philippines đã nêu bật vai trò của APEC trong thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; cho rằng việc APEC quan tâm hơn đến các vấn đề phát triển đã góp phần bảo đảm khu vực tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn.Các bộ trưởng APEC đã nhất trí đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng có chất lượng, kết nối con người và thể chế, cải cách cơ cấu, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng ngày 16/11, 21 nền kinh tế thành viên APEC đã xem xét một phản ứng chung lên án các vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Pháp. Dự kiến, yếu tố này sẽ được đề cập trong Tuyên bố của lãnh đạo APEC dự kiến được đưa ra sau Hội nghị Cấp cao APEC từ ngày 18-19/11. Cũng trong phiên cấp cao ngày 18-19/11, các hội nghị APEC cũng sẽ tập trung thảo luận cách thức 21 nền kinh tế APEC có thể phối hợp nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tư do APEC (hay còn gọi là Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, viết tắt là FTAAP).

Trước đó, ngày 12/11, cũng đã diễn ra Đối thoại cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) về kinh doanh toàn diện, mô tuýp bao gồm các hình mẫu kinh doanh có lợi nhuận giúp giải quyết nhiều vấn đề khác nhau mà các cộng đồng nghèo và thu nhập thấp phải đối mặt. Qua đó, tìm kiếm những giải pháp giảm tỷ lệ nghèo đói ở khu vực trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương còn hơn 700 triệu người đang phải sống dưới mức nghèo đói là 1,25 USD/ngày.

Tuần lễ cấp cao APEC: Kinh tế, chìa khoá của tăng trưởng?

Các nhà lãnh đạo APEC chụp ảnh lưu niệm tại Hà Nội năm 2006.

Việc gia nhập APEC năm 1998 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sau 17 năm quatích cực tham gia và đóng góp hợp tác trong APEC, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn, hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Ngoài ra, chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bô-go và các biện pháp cải cách tổng thể đã góp phần tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC.

Năm 2017, Việt Nam sẽ trở thành nước chủ nhà của APEC. Đây là một trong những trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2025 nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là ở châu Á – Thái Bình Dương. “Việc lần thứ hai đăng cai Năm APEC sẽ là đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với Diễn đàn trong bối cảnh mới”,Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

N.Minh (Theo CNN, NYT, VOA )

 


Ý kiến của bạn