Hà Nội

Tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội sẽ thông qua 7 Luật và một số nghị quyết quan trọng

10-06-2019 06:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Bước vào tuần làm việc thứ 4- tuần làm việc cuối của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện biểu quyết thông qua 7 Luật, một số nghị quyết quan trọng.

Theo dự kiến Chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp.

Trong tuần làm việc cuối cùng,Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 7 Luật và một số nghị quyết quan trọng.

Trong tuần làm việc cuối cùng,Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 7 Luật và một số nghị quyết quan trọng.

7 Luật sẽ được thông qua gồm: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bên cạnh đó, trong tuần làm việc cuối của Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Trước đó, kết thúc tuần làm việc thứ 3, Quốc hội đã hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn. 4 Bộ trưởng đã trực tiếp trả lời hàng loạt vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận với những vấn đề nóng như: việc gia tăng các vụ ma túy với số lượng lớn; công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; các dự án đường sắt đô thị bị đội vốn nhiều lần, song chưa biết thời điểm nào có thể vận hành được; hay vấn đề lợi dụng vấn đề tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi...

Theo Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sau 2,5 ngày chất vấn, mặc dù thời gian chất vấn có giảm hơn so với mọi kỳ trước nhưng số đại biểu Quốc hội đăng đàn chất vấn tăng cao hơn. Không khí thảo luận trong nghị trường rất sôi nổi. Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn đã tạo được không khí thảo luận sôi nổi, nhưng cũng tế nhị và nhẹ nhàng. Hầu hết các Bộ trưởng đều nắm chắc công việc của ngành nên trả lời các vấn đề một cách chắc chắn, đầy đủ các ý kiến xác đáng.

Rút kinh nghiệm từ những phiên chất vấn trong các kỳ họp trước, trong phiên chất vấn vừa qua, chỉ có hình thức tranh luận giữa người hỏi và người trả lời, không có tranh luận giữa các đại biểu với nhau. Điều này đã làm rút ngắn thời gian, đồng thời tạo cơ hội để nhiều đại biểu được chất vấn. Việc tranh luận giữa đại biểu và các thành viên Chính phủ được trao đổi đến cùng. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, tại phiên chất vấn của kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội đã áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo, trí tuệ thông minh. Phần mềm này giúp cho việc điều hành chất vấn của chủ tọa hiệu quả, chất lượng. Theo ông Phúc, phần mềm trí tuệ nhân tạo xử lý lập tức tiếng nói, câu hỏi của đại biểu, câu trả lời của các thành viên Chính phủ sang văn bản một cách chính xác tuyệt đối.“Với ứng dụng này, phần trả lời của các thành viên Chính phủ được chạy chữ trên mặt bàn của chủ tọa, giúp chủ tọa kiểm soát được. Trong trường hợp, người trả lời mà trả lời thiếu ý của đại biểu, chủ tọa nhắc luôn. Vì vậy, việc áp dụng phần mềm này rất tốt”- ông Phúc cho biết.


Trần Lâm – Anh Tuấn
Ý kiến của bạn