Tự ý kê kháng sinh cho con là một trong những sai lầm của rất nhiều bà mẹ trẻ.
Suýt hại con vì bệnh "tự ý"
Dù có kinh nghiệm làm mẹ ngót nghét được gần 2 năm nhưng chị Lê Hằng (Mỹ Đình, Hà Nội) vẫn mắc phải sai lầm trong việc chăm sóc con.
Đợt lạnh vừa rồi chị suýt hại con khi liều lĩnh tự ý cho con dùng kháng sinh khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ. Chị chia sẻ: “Mình thấy biểu hiện của con cũng giống như đợt trước cách đây 4 tháng, mình nghĩ cháu bị viêm mũi họng thông thường nên dùng y lại đơn cũ của bác sĩ. Đơn gồm 1 thuốc kháng sinh, 1 thuốc chống viêm, 1 thuốc giảm sốt, 1 thuốc dùng nhỏ mũi”.
Sau khi dùng được 2 ngày, bé Bi nhà chị không thấy đỡ, thậm chí còn có dấu hiệu nặng hơn. Thấy thế chị “mạnh dạn” tăng liều kháng sinh cho con. Đến khi con bị dị ứng, phát ban đầy người, chảy máu cam chị mới lo lắng đưa con vào viện. May mắn được các bác sĩ khám chữa tích cực nên bé nhanh chóng qua khỏi.
Sai lầm lớn nhất của các bà mẹ là khi con bị sốt thì cho rằng con bị viêm họng, viêm phế quản, tự ý đi mua thuốc giảm sốt, thuốc kháng sinh về cho con uống. Chị Nguyên Anh (Hà Đông, Hà Nội) là một ví dụ. Bé Mít nhà chị được hơn 1 tuổi. Chị tự trách mình suốt hồi bé Mít được vài tháng tuổi, bé bị viêm đường tiết niệu, ngày nào hai mẹ con cũng ôm nhau ngồi trong viện chờ tới lượt khám. Vào viện nhiều quá, Mít bị lây chéo bệnh viêm mũi họng từ những bé khác. Vậy là suốt một tuần bé phải truyền thuốc, rồi uống kháng sinh. Mít gầy tọp đi trông thấy.
Từ lần đó, chị tự nhủ sẽ chăm sóc bé thật tốt. Thế nhưng dù chị có tẩm bổ nhiều cho bé, giữ bé ấm nhưng trong thời tiết lạnh như hiện nay, Mít vẫn bị sụt sịt, ho hắng.
Thấm thía cảnh ra vào bệnh viện đông đúc, truyền thuốc, tìm ven để truyền thuốc đến lỗ chỗ ở tay, chị quyết tâm phải trị dứt căn bệnh này ngay mà không cần tới ý kiến bác sĩ. Nghĩ bé bị viêm họng thông thường, chị hỏi ý kiến bạn bè trên mạng và quyết định cho con một liều kháng sinh với hi vọng “bệnh sớm đẩy lùi”.
Sau 1 ngày, bé có biểu hiện sốt dữ dội hơn, phân lỏng, chân tay lạnh, lờ đờ, bứt rứt, bỏ ăn. Nhận thấy không thể chờ thêm được, chị quyết định đưa con vào viện khám. Tại đây chị được biết, bé bị sốc thuốc.
Cảnh giác và sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách
Bác sĩ Philippe Collin (Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp) trả lời về vấn đề này như sau, viêm mũi họng là bệnh hay gặp ở trẻ, với hai biểu hiện chính là ho và sốt. Thời tiết lạnh như hiện nay trẻ rất hay gặp phải. Tuy nhiên, tự ý kê thuốc kháng sinh cho con dùng là một thực trạng gặp nhiều ở những bà mẹ hiện nay.
Theo tổ chức y tế thế giới, có rất nhiều hậu quả nếu cha mẹ tự ý kê đơn cho con. Khi dùng thuốc vô tội vạ, bé có nguy cơ bị nhờn thuốc cao. Nhờn thuốc là một điều vô cùng nguy hiểm.
Hậu quả khi sử dụng thuốc kháng sinh không có sự chỉ định như: dị ứng, đi ngoài, phát ban... Hai triệu chứng đi ngoài, dị ứng ta có thể nhìn thấy ngay lập tức. Tuy nhiên theo bác sĩ Collin, triệu chứng này không nguy hiểm bằng việc nhờn thuốc. Có những trường hợp bé được đưa tới viện khi dùng kháng sinh đồ để kiểm tra đều ghi nhận kết quả nhờn thuốc cao. Phương pháp kháng sinh đồ là phương pháp kiểm tra để tìm ra loại kháng sinh mẫn cảm đối với một dòng vi khuẩn gây bệnh nào đó.
Nguyên nhân nhờn thuốc: do gia đình, sự chỉ định vội vàng của bác sĩ, sự tuyên truyền chưa tốt, chưa rộng rãi tới mọi người, do các hãng dược phẩm làm thuốc và quảng cáo vì lợi nhuận của họ. Bên Châu Âu đang có biện pháp tuyên truyền để mọi người tránh lạm dụng thuốc kháng sinh.
Tóm lại, bác sĩ Collin nhấn mạnh việc lạm dụng kháng sinh khi chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.
Bác sĩ Philippe Collin khuyên, trước khi cho bé dùng thuốc, cha mẹ cần phải xin ý kiến của bác sĩ, xem lại đơn bác sĩ về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, cách dùng thuốc, sau đó xem tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc về cách dùng, tác dụng phụ... để dùng thuốc cho đúng, tránh những điều đáng tiếc. Thuốc kháng sinh thường được sử dụng sai bởi vì nhiều cha mẹ tự ý cho con uống, không dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Họ có thể cho con ngừng uống thuốc kháng sinh quá sớm trước khi bệnh của con được hoàn toàn chữa khỏi, hoặc tự ý tăng liều để "nhanh khỏi". Điều này sẽ khiến vi khuẩn trở nên đề kháng với thuốc kháng sinh.
Để phát hiện ra bệnh và lên bài toán chữa bệnh, bác sĩ mới là người quyết định. Tại bệnh viện, bệnh nhi sẽ được khám tổng thể, xét nghiệm máu, nước tiểu, thậm chí làm kháng sinh đồ trước khi chỉ định để thuốc có tác dụng nhất, tránh nhờn thuốc.
Để phòng tránh các bệnh đường hô hấp của trẻ em cần tăng cường hệ miễn dịch của trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đủ chất, vệ sinh môi trường sống thoáng mát không khói thuốc, bụi bặm, vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý. Cha mẹ nên để ý tới lịch tiêm phòng của bé.
Theo aFamily/PLXH