Tự ý dùng và điều chỉnh liều kháng sinh, mẹ Việt đang hại con

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà nội.Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, bv Nhi Trung ương.

07-10-2018 06:45 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Với những người đã làm cha, làm mẹ đặc biệt với những bà mẹ bỉm sữa, mỗi khi con hắt hơi, sổ mũi ốm sốt lại là mỗi lần lo lắng. Vì lo lắng quá nhiều mẹ vội vàng ra hiệu thuốc tự làm thầy thuốc mua kháng sinh về cho con uống mà không hề biết rằng tình trạng bệnh của con mình có cần thuốc hay không?.

Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo, việc uống thuốc kháng sinh bừa bãi không theo chỉ định của bác sĩ sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường như kháng kháng sinh đang là “vấn nạn” hiện nay.

Tự ý dùng kháng sinh và dùng không đúng liều khiến bệnh khó điều trị

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi Trường Đại học Y Hà Nội, có một số liệu hơi đáng buồn là ở Việt Nam mua kháng sinh rất dễ dàng vì thế việc tự ý mua kháng sinh mà không có sự tư vấn của bác sĩ đang khá phổ biến. Do đó, thuốc được sử dụng rộng rãi lại là kháng sinh. Người ta nghĩ rằng dùng kháng sinh càng sớm thì trị bệnh khỏi ngay. “Cái gì cũng có quy luật tự nhiên ví dụ hội chứng viêm đường hô hấp trên: như viêm họng, sổ mũi, thì phải 5-7 ngày mới khỏi được, nhưng nhiều mẹ khi đi khám bác sĩ mới dùng thuốc được 1 ngày thì đã mong bệnh phải đỡ ngay, khi chưa thấy đỡ thì lại nóng ruột lại đi khám bác sĩ khác. Và khi đến khám bác sĩ khác đúng là  lúc chu kỳ bệnh đến thời kỳ khỏi và lúc đấy thuốc đã phát huy tác dụng”, PGS. Diệu Thúy lưu ý.

PGS. Diệu Thúy cũng nhấn mạnh, có đến 70-80% trường hợp cảm cúm, ho, hắt hơi, sổ mũi, bệnh hô hấp ở trẻ thông thường là do virus các triệu chứng của bệnh hô hấp trên sẽ giảm dần và bệnh tự khỏi trong vòng 7 – 10 ngày. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên vội vàng dùng kháng sinh. Đôi khi cha mẹ cần chỉ vệ sinh mũi họng tốt, dinh dưỡng tốt có khi trẻ cũng sẽ tự khỏi. Nhiều khi các ông bố bà mẹ cứ nghĩ con mình bị ốm, ho hắng là phải dùng kháng sinh, nhưng lại không hề để ý rằng, thuốc hay kháng sinh đều là con dao hai lưỡi. Dùng kháng sinh ngoài tác dụng tốt còn có tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy, nôn…Dùng kháng sinh nhiều gây kháng kháng sinh. Vi khuẩn kháng kháng sinh không chỉ không tốt cho người bệnh mà con vi khuẩn đấy còn lây lan sang cộng đồng và theo đó để hậu quả rất lớn.

Tự ý mua kháng sinh và dùng kháng sinh không đúng liều chỉ định mẹ đang vô tình hại con

Một trong những nguyên nhân khiến các bà mẹ ngại đưa con đi khám đó là cơ sở khám chữa bệnh thì luôn đông đúc, phải chờ đợi. Ngoài ra, hiện nay khi mà thông tin trên mạng internet rất phòng phú  mọi người thường lên mạng xã hội, trên facebook đọc và tìm hiểu những chia sẻ về kinh nghiệm nuôi con, nuôi con thuận tự nhiên. Một số người thì nghe theo kinh nghiệm dân gian từ ông bà truyền lại và dùng thuốc theo kinh nghiệm, lấy đơn của người này dùng cho người khác. Lấy đơn thuốc cũ của bản thân dùng lại.

PGS. Thúy cũng chia sẻ,  bác sĩ là người chịu trách nhiệm chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh đúng và đủ. Bác sĩ sẽ phải xác định đúng trường hợp phải điều trị kháng sinh hay không. Khi xác định nhiễm khuẩn, bác sĩ dựa vào khuyến cáo, kinh nghiệm mùa dịch, thì phải dùng kháng sinh phù hợp (phù hợp với vi khuẩn bệnh nhân nhiễm). Cùng liều thuốc đó, trẻ bé, trẻ lớn phải khác nhau, thời gian dùng thuốc phải 5-7 ngày, nếu không đủ liều, vi khuẩn lại kháng thuốc. Tuy nhiên, có thực tế là phác đồ điều trị kháng sinh 10 ngày, nhưng nhiều bệnh nhân dùng 3 ngày thấy đỡ liền bỏ thuốc vì sợ dùng thuốc nhiều sẽ hại. Nhưng lại không hiểu rằng, dùng thuốc 3 ngày vi khuẩn nó chỉ yếu đi chứ chưa bị tiêu diệt hẳn, và do đó làm cho bệnh nhân nhờn thuốc, rất khó điều trị sau này.

Làm sao để hạn chế bệnh đường hô hấp ở trẻ?

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, hầu như 10 đứa trẻ đi khám thì 6-7 đứa trẻ nhiễm bệnh đường hô hấp, ít thì hắt hơi sổ mũi, nhiều thì khò khè, khó thở. Đặc biệt trẻ càng bé thì bệnh càng nhiều. Càng nhỏ tuổi, tiên lượng lại càng xấu. Ở trẻ em người ta tính 1 năm có 6-7 đợt viêm đường hô hấp trên: ho, hắt hơi, sốt nhẹ, chảy nước mũi trong, nhưng do giải phẫu của hệ hô hấp khi ra đời, chúng ta cứ nghĩ đã đầy đủ gồm mũi họng, khí quản, thanh quản, phổi. Nhưng với trẻ em hệ thống này  sẽ vẫn tiếp tục hoàn thiện khi trẻ lớn lên và sau 2 tuổi mới tương đối hoàn thiện.

Chính vì thế, quá trình hệ hô hấp đang “xây” nên vẫn còn chưa tốt lắm, chưa ổn định, do đó trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh. Một vấn đề thứ hai là miễn dịch. Đứa trẻ ra đời chưa có khả năng đề kháng, mới chỉ có một chút sức đề kháng tự sinh ra cộng với sữa mẹ truyền sang con khi trẻ bú mẹ, đây gọi là miễn dịch thụ động. Nhưng, miễn dịch đó lại giảm dần do lượng sữa mẹ bú giảm dần. Và đứa trẻ phải “tự sinh, tự cung tự cấp, tự thích nghi với môi trường”. Vậy đứa trẻ nào đề kháng tốt thì ít bị các bệnh nhiễm khuẩn. Nhưng đứa trẻ vì lý do nào đó như dinh dưỡng chưa đảm bảo, trẻ  không được bú mẹ, hoặc tiêm vắc xin không đầy đủ thì sức đề kháng kém do đó rất dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp trên miễn dịch tự hạn chế lại, thì lại nhiễm khuẩn hô hấp dưới như viêm tiểu phế quản, viêm phổi.. những nhiễm khuẩn ở bộ phận này rất nguy hiểm cho trẻ.

PGS. TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi ,Trường Đại học Y Hà Nội

Người ta ước tính 40% trẻ vào Viện Nhi là mắc bệnh đường hô hấp. Bệnh hô hấp cấp tính chúng ta hoàn toàn cứu được, chữa được, nhưng nếu chỉ “xểnh”một vài ngày thì bệnh cấp tính sẽ càng nặng, và đứa trẻ càng khó cứu, trẻ càng bé càng nguy hiểm. Mặc dù chương trình nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp đã ra đời vào năm 1984, người ta kỳ vọng sẽ làm giảm số lượng bệnh nhân, nhưng đến giờ, các bệnh nổi trội vẫn là các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp và đối tượng nhạy cảm nhất vẫn là trẻ em.

Theo đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi bà mẹ hãy chăm sóc con mình với chế độ dinh dưỡng tốt bởi dinh dưỡng là nền tảng, tiêm vắc xin đầy đủ cho con. Ngoài ra, những công việc hàng ngày rất hiệu quả trong việc phòng bệnh là rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, đeo khẩu trang, giữ ấm vào mùa đông, tránh cảm lạnh…

Chương trình "Hạn chế kháng sinh trong điều trị bệnh hô hấp cho trẻ" phát động bởi Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các đơn vị đồng hành: Siro ho Prospan, Siro tăng cường miễn dịch Imunoglukan, nước muối sinh lý Pháp Fysoline. Thông tin truy cập tại đây.
Siro ho Prospan sản xuất bởi Engelhard Arzneimittel, CHLB Đức, chống chỉ định trường hợp bất dung nạp fructose, phụ nữ có thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng. Số đăng ký: VN-17873 -14, XNQC số 0145 Bộ Y tế cấp ngày 16/8/2016.
Siro tăng cường miễn dịch Imunoglukan sản xuất tại châu Âu và đã được sử dụng tại 30 quốc gia. Imunoglukan chứa beta (1.3/1.6)-D-Glucan hàm lượng cao chiết xuất từ nấm sò, dạng siro, bào chế và sản xuất trên công nghệ hiện đại châu Âu, góp phần hỗ trợ tăng cường miễn dịch, khả năng phòng bệnh cho trẻ. Giấy phép quảng cáo số 1970/2015/XNQC-ATTP. Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Nước muối sinh lý Fysoline là sản phẩm chuyên biệt vệ sinh mắt mũi dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã được chứng thực an toàn theo tiêu chuẩn Châu Âu, nhập khẩu và phân phối chính thức tại Việt Nam bởi Tập đoàn Dược Phẩm SOHACO. Sản phẩm được Sở Y tế Hà Nội công bố tiêu chuẩn áp dụng với trang thiết bị y tế loại A số 170000059/PCBA - HN ngày 8/6/2017.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn