Hà Nội

Tự ý dùng thuốc nam chữa sỏi thận: Coi chừng tử vong

17-11-2016 14:54 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng Khoa Thận - Tiết niệu, BV Bạch Mai cho biết, có rất nhiều bệnh nhân sỏi thận do tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc đã phải nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, suy đa tạng phải lọc máu cấp cứu, thậm chí có trường hợp tử vong. Đáng báo động là hầu như ngày nào các bác sĩ tại đây cũng tiếp nhận bệnh nhân dùng thuốc nam chữa sỏi thận theo kiểu truyền miệng.

Theo PGS. Tuyển, sỏi thận là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng. Trung bình mỗi năm, khoa Thận – Tiết niệu của BV điều trị nội trú cho trên 3.000 lượt bệnh nhân, trong số đó nhiều ca bệnh có biến chứng nặng; khám ngoại trú cho hơn 20.000 lượt người.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại, do đây là bệnh phải điều trị dùng thuốc lâu dài khiến nhiều người có tâm lý sợ phải uống thuốc Tây nên đã tìm đến các bài thuốc nam truyền miệng với những lời quảng cáo “mùi mẫn” như: “Sáng uống, chiều có thể ra sỏi; chữa khỏi sỏi thận an toàn, công hiệu, hết sỏi…”.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển

Về vấn đề này, PGS. Tuyển khuyến cáo, việc tự ý mua thuốc nam về sắc uống là không đúng, đặc biệt đối với bệnh nhân sỏi tiết niệu có biến chứng suy thận. Hiện nay việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, kèm theo việc bảo quản, sao tẩm thuốc rất có thể chứa nhiều hóa chất độc hại dễ khiến tình trạng suy thận thêm nặng nề. Gần như 100% bệnh nhân suy thận nặng nhập viện điều trị là tự ý dùng thuốc và dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Việc sắc thuốc uống trên cơ địa bệnh nhân kém, rất dễ suy thận.

“Khi bệnh nhân bị sỏi thận thì việc đầu tiên cần làm là đi khám để biết sỏi ở mức độ nào, kích thước bao nhiêu, nằm ở vị trí nào và có gây nên biến chứng cho người bệnh hay không. Một số biến chứng cấp tính hay gặp là các cơn đau quặn thận cấp tính, đái ra máu đại thể, nhiễm trùng, viêm bể thận cấp gây ứ mủ ở thận. Các biến chứng mạn tính khác như gây tình trạng suy thận, hay gặp nhất là suy thận do tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang….”- PGS. Tuyển nói.

Cũng theo PGS. Tuyển, trường hợp bệnh nhân sỏi thận nếu muốn điều trị bằng thuốc y học cổ truyền thì nhất thiết phải cần có sự tự vấn của bác sĩ y học cổ truyền. Với các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc thì rất khó để biết trong thuốc nam đó có các thành phần nào. Để quyết định dùng thuốc gì thì bắt buộc bệnh nhân phải được kiểm tra chức năng thận phòng tránh tác hại không đáng có của thuốc. Thuốc có thể tốt với bệnh nhân này nhưng lại không tốt với bệnh nhân khác và thuốc chỉ tốt khi được sử dụng đúng.

sỏi thậnẢnh minh họa.

Phòng tránh sỏi thận cách nào?

Để phòng tránh bệnh sỏi thận - tiết niệu, theo PGS. Tuyển, trước hết cần biết được thành phần của sỏi để có cách phòng tránh thích hợp. Tuy nhiên, về mặt khoa học thì chỉ khi viên sỏi được lấy ra mới xác định được thành phần của chúng; hoặc biết gián tiếp qua xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu tìm ra một số điều kiện thuận lợi hình thành sỏi.

Hiện nay, cách phòng tránh sỏi dễ nhất được khuyến cáo là người dân nên uống đủ nước. Tiếp đó là tránh các can thiệp không cần thiết vào đường tiết niệu, ví dụ như ở các bệnh nhân can thiệp đặt sonde, bệnh nhân nhiễm trùng đường tiểu….

Bên cạnh đó, với bệnh nhân gout, bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa khác như tăng canxi máu, bệnh nhân bị nhiễm trùng dị dạng đường tiết niệu… cần được bác sĩ tư vấn tìm các điều kiện thuận lợi tạo sỏi để phòng tránh. Ở người già, nếu bị sỏi một bên cần cẩn thận tình trạng nhiễm trùng hoặc bị trào ngược dạ dày thực quản. Trường hợp người già bị sỏi hai bên mà nhiều thì chú ý đến các nguyên nhân thứ phát hay gặp nhất đi kèm là bệnh gout. Còn với người trẻ bị sỏi thận một bên thì thông thường cần kiểm tra bệnh nhân có dị dạng đường tiết niệu hay không (dị dạng hay gặp là dị dạng bàng quang bể thận nối bể thận thực quản); nếu bị sỏi thận nhiều mà hai bên có thể hay tái phát hoặc mới gặp lần đầu thì chú ý các rối loạn chuyển hóa, ví dụ bệnh nhân có thể có các bệnh tăng canxi máu, rối loạn đào thải canxi…

bệnh sỏi thậnCoi chừng các cơn đau quặn thận. Ảnh minh họa.

Hiện nay có một số phương pháp điều trị sỏi thận như: Tán sỏi ngoài cơ thể; Tán sỏi nội soi; Tán sỏi qua da; Mổ mở… Việc điều trị tùy thuộc vào vị trí kích thước và biến chứng do sỏi gây ra. Theo thống kê, có khoảng 50% bệnh nhân có sỏi sau khi được can thiệp lấy sỏi thì từ từ 5-10 năm sau tái phát. Do đó, người bệnh cần thiết phải đi khám định kỳ sau khi lấy sỏi để phòng sỏi tái phát.

Theo các bác sĩ, người dân khi thấy có các biểu hiện như đái ra máu, có các cơn đau quặn thận… cần đi khám để được điều trị kịp thời. Cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh, bởi lẽ việc phát hiện bệnh sỏi thận không phụ thuộc vào kích thước của sỏi.


Dương Hải
Ý kiến của bạn