1. Dự phòng COVID-19 bằng thuốc cảm cúm Nhật?
Nhiều người cho rằng, các triệu chứng của COVID-19 và cảm cúm thông thường đều có các biểu hiện: Sốt, ho, chảy nước mũi, tức ngực... nên việc uống thuốc cảm cúm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh. Vì thế nhiều người tìm mua các loại thuốc cúm Nhật trên mạng để dự phòng COVID-19.
Chị Đ.T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, mấy ngày gần đây nhiều người ở cơ quan, hàng xóm đều tái mắc COVID-19. Nghe nói thuốc cúm Nhật có thể giúp dự phòng COVID-19, chị đã lên mạng, rồi nhờ người quen tìm mua mấy hộp thuốc cúm Nhật về dùng.
Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. BS. Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng) cho hay, với bệnh nhân bị cảm cúm, sốt thông thường không mắc phải những nhiễm trùng nghiêm trọng, cơ thể sẽ đỡ dần nếu được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều trường hợp không cần dùng thuốc, chỉ nghỉ ngơi và uống đủ nước, cảm cúm sẽ dần thuyên giảm trong vòng 3-5 ngày.
Thuốc trị cúm Nhật có thành phần là paracetamol, ephedrine, guafenesin, dihydrocodein và clorpheniramin và một số loại vitamin. Do đó, khi bị mắc COVID-19 thì cúm Nhật cũng có tác dụng hạ sốt, giảm đau, long đờm, giảm ho... tương tự các loại thuốc cảm cúm khác.
Tuy nhiên, thuốc cúm Nhật (dạng gói hoặc viên) chỉ có tác dụng khi thực sự mắc cúm và không có tác dụng dự phòng COVID-19.
Không những thế trong thuốc cúm Nhật có thành phần giảm ho dihydrocodein có thể gây nghiện. Ngoài ra, việc sử dụng vô tội vạ các hoạt chất khác trong cúm Nhật đều làm tăng các tác dụng phụ, gây nguy hiểm cho người bệnh.
2. Uống thuốc kháng virus tránh mắc COVID-19?
Cùng chung tâm lý như chị H., chị Trần Ánh T. (Hà Nội) do lo lắng mắc COVID-19 lần 2 mà đã tìm mua thuốc kháng virus của Nga về uống dự phòng. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Huy Hoàng việc tự ý sử dụng thuốc kháng virus của Nga để dự phòng COVID-19 là sai lầm nghiêm trọng. Bởi thuốc kháng virus cũng chỉ có tác dụng trong 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Trên thực tế, các thuốc kháng virus Nga, có loại có tác dụng và có loại cũng không tác dụng gì trong việc ngăn sự nhân lên của virus SARS-CoV- 2. Hiện tại, thuốc kháng virus molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp phép cũng phải được sử dụng đúng đối tượng và thời gian.
Việc dùng thuốc kháng virus cũng chỉ sử dụng trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Các thuốc này cũng có nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ và phải được giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh các rủi ro đáng tiếc. Chỉ dùng các thuốc kháng virus này khi có chỉ định của bác sĩ.
Việc uống thuốc kháng virus Nga để dự phòng không giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mà có thể gây những ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Khuyến cáo của chuyên gia
BS. Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh, tuyệt đối không tự ý tìm mua, dùng thuốc dự phòng COVID-19 theo mách bảo. Ngoài việc không tác dụng, tốn tiền... thì việc tự ý sử dụng cúm Nhật hay thuốc kháng virus Nga để dự phòng lây nhiễm COVID-19 còn khiến gan, thận bị quá tải, và xuất hiện tâm lý chủ quan, từ đó lơ là các biện pháp phòng chống khác.
BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang khi số ca COVID-19 gia tăng hiện nay. Mỗi người nên duy trì nguyên tắc đeo khẩu trang nơi công cộng và thường xuyên khử khuẩn tay.
Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B và các bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, người dân không nên tích trữ, tùy tiện sử dụng những loại thuốc trôi nổi mà không có hướng dẫn của bác sĩ.
Khi thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh nên thông báo cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Có thể dự phòng bằng tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng COVID-19, thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế kết hợp với chế độ ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 mẹo ăn uống trước và sau tiêm vaccine Covid-19.