Thông tin tại cuộc họp báo về “Những ca glôcôm điển hình” để tuyên truyền về mối nguy hại của bệnh glôcôm hưởng ứng Tuần lễ Glocom thế giới, BS Vũ Anh Tuấn cho biết các bác sĩ ở đây vừa phẫu thuật cho nam thiếu niên 16 tuổi ở Hải Dương bị glôcôm. Đây là trường hợp khá hiếm gặp khi một người trẻ tuổi mắc căn bệnh này.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó em được chẩn đoán viêm kết mạc, sau khi hết đợt điều trị, bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị tiếp. Sau mỗi lần nhỏ thuốc, cháu cảm thấy mắt rất dễ chịu nên cũng nhỏ thuốc nhiều lần hơn. Suốt hơn 3 tháng, ngày nào cháu cũng nhỏ mắt 3-4 lần
Tuy nhiên, cách đây ít ngày, cả hai mắt cháu bỗng nhiên nhìn mờ và hầu như không nhìn thấy gì nữa. Cháu buộc phải nghỉ học và mọi sinh hoạt phải có người thân trợ giúp.
Tại thời điểm bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị mù do mắc bệnh glôcôm.
“Trường hợp người trẻ mắc bệnh lý này thường do lạm dụng thuốc chứa corticoid để nhỏ mắt hoặc do có bệnh lý di truyền. Với trường hợp nam bệnh nhân nói trên, việc nhỏ thuốc kéo dài, không có chỉ dẫn của bác sĩ đã khiến bệnh nhân bị mù. Bệnh nhân được phẫu thuật mắt trái tuy nhiên khả năng thị lực bệnh nhân hồi phục như bình thường là không thể.
Đến thời điểm này, 4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ có thể nhìn thấy bóng tay mờ mờ. Việc phẫu thuật này chỉ giúp bệnh nhân hồi phục một phần thị lực và có thể tự đi lại, sinh hoạt trong gia đình”- BS Tuấn Anh cho hay.
Không nên "tự ý làm bác sĩ" điều trị bệnh lý về mắt để tránh tổn hại cho "cửa sổ tâm hồn"
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người bị glôcôm (hay còn gọi là thiên đầu thống), dự tính năm 2020 sẽ có 79,5 triệu và năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh này. Hiện nay, bệnh glôcôm đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ 2 gây mù trên thế giới.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bệnh viện mắt Trung ương cho biết, cả nước có 380.800 người mù 2 mắt, trong đó có 24.800 người mù do glôcôm (chiếm 65%, đứng thứ 2 sau bệnh đục thể thủy tinh: 66,1%). Ước tính nước ta hiện nay có khoảng 650.000 người mắc bệnh glôcôm.
Các chuyên gia cho hay, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glôcôm, đặc biệt là các trường hợp những người hơn 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glôcôm, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ, viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống.... nên thường xuyên đi khám mắt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, mắt bị glôcôm sẽ dần tiến đến mù lòa và vĩnh viễn không có khả năng hồi phục.
Các nghiên cứu cho thấy, nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực thấp, nguy cơ mù lòa cao hoặc không tuân thủ điều trị. Đặc biệt, việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt kéo dài có corticoid khiến mắt bị mất thị lực và có thể mù vĩnh viễn do glôcôm.