Tự ý dùng thuốc chữa viêm tai giữa, nam thanh niên liệt một bên mặt

03-09-2023 14:43 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sau khi chẩn đoán viêm tai giữa, bệnh nhân mua thêm thuốc ở ngoài về nhỏ vào tai. Sau một thời gian xuất hiện chảy dịch tai, tai đau nhiều và sưng, liệt một bên mặt.

Vừa qua, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (28 tuổi) vào viện thăm khám với lý do sưng đau sau tai, chảy dịch nhiều, sưng một bên mặt. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết có đi khám ở phòng khám tư và chẩn đoán viêm tai giữa. Bệnh nhân được kê thuốc, kèm theo đó là tự ý mua thuốc để dùng nhỏ tai kết hợp thêm. Tuy nhiên, sau một thời gian triệu chứng không đỡ và có dấu hiệu nặng lên mới tới bệnh viện thăm khám.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có khối sưng phồng sau tai, chảy dịch tai liên tục và liệt một bên mặt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm tai giữa chũm mạn tính có cholesteatome gây biến chứng liệt mặt và hồi viêm sau tai. Cholesteatoma là một tổ chức biểu mô tăng trưởng hình thành trong tai giữa, xương chũm, hoặc thượng nhĩ sau khi viêm tai giữa mãn tính. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật giảm áp dây 7 và xử lý phần chũm trong tai để giải quyết tình trạng biến chứng của cholesteatoma. Sau một thời gian bệnh nhân phục hồi tốt.

ThS.BSCKII Nguyễn Đình Trường thông tin về ca bệnh và cảnh báo các sai lầm khi chữa viêm tai giữa. 

Dấu hiệu viêm tai giữa

Tai giữa là phần nằm phía trong màng nhĩ. Cấu tạo tai giữa bao gồm hòm tai, vòi nhĩ (vòi thông từ tai giữa xuống mũi họng) và sào bào (tế bào lớn nhất ở trong xương chũm). Bệnh nhân mắc viêm tai giữa thường có tiền triệu chứng như:

- Chảy mũi, ngạt mũi kéo dài

- Đi bơi, chọc ngoáy tai hoặc các tác động đến tai không đúng cách

Sau đó thường xuất hiện các biểu hiện đau tai, ù tai. Trong trường hợp nặng hơn có thể chóng mặt, buồn nôn, chảy dịch tai ra ngoài. Ở các trẻ nhỏ thường có triệu chứng sốt về đêm, đau tai (đưa tay lên dụi tai hoặc nghiêng đầu về một bên), quấy khóc nhiều, trước đó có thể xuất hiện ho hoặc sổ mũi.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tai giữa, bệnh nhân nên thăm khám tại các cơ sở y tế, chuyên khoa tai mũi họng để loại trừ các bệnh mạn tính hoặc các biến chứng khi điều trị không đúng cách.

Tự ý dùng thuốc chữa viêm tai giữa, nam thanh niên liệt một bên mặt - Ảnh 2.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm tai giữa, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.

Viêm tai giữa có nguy hiểm không?

Khi xuất hiện có dịch chảy ra khỏi tai thường là dấu hiệu của viêm tai giữa. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân thường tự ý mua thuốc hoặc nhỏ các loại thuốc, bột theo kinh nghiệm dân gian vào tai. Khi người bệnh tự ý dùng thuốc tây, kháng sinh không có dấu hiệu đỡ liền kết hợp thêm cả đông y, vừa uống vừa nhỏ. Điều này có thể để lại các biến chứng không thể phát hiện qua lâm sàng như viêm tai xương chũm.

Việc điều trị viêm tai giữa dai dẳng quá mức hoặc không đúng có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe. Trước mắt có thể ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt như suy giảm sức nghe tùy theo mức độ viêm. Ngoài ra có thể gây ra các biến chứng tiền đình ốc tai dẫn tới hiện tượng chóng mặt, buồn nôn. Trong một số trường hợp có thể gây biến chứng tại dây thần kinh số 7 dẫn tới méo/liệt mặt.

Trước đây, còn gặp một số biến chứng về viêm màng não, sọ não. Tuy nhiên thời gian gần đây người dân quan tâm hơn tới vấn đề đề sức khỏe nên biến chứng này ít gặp hoặc có thể gặp ở những nơi vùng sâu vùng xa điều kiện khó khăn.

Xem thêm video được quan tâm:

CẢNH BÁO: Người Mắc Viêm Tai Giữa Có Thể Điếc Vĩnh Viễn Nếu Không Được Điều Trị Kịp Thời


ThS.BSCKII Nguyễn Đình Trường
Phó Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn