Hà Nội

Tự ý dùng thảo dược trị tăng men gan coi chừng nhập viện

24-04-2017 07:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khi mắc bệnh viêm gan, men gan tăng bệnh nhân thường lo sợ dùng thuốc kéo dài làm hại gan nên nghe truyền miệng dùng thảo dược có thể tiêu diệt virut viêm gan mà không tốn tiền, các loại thảo dược dễ kiếm,… điều này chưa hẳn đúng và trên thực tế đã có trường hợp nhập viện.

Những người mắc bệnh viêm gan, men gan tăng thường lo sợ dùng thuốc kéo dài làm hại gan nên thường sử dụng các loại thảo dược để nhuận gan, bảo vệ tế bào gan, giảm men gan.  Thậm chí một số người truyền miệng dùng thảo dược có thể tiêu diệt virut viêm gan  mà không tốn tiền, các loại thảo dược dễ kiếm,… điều này chưa hẳn đúng và trên thực tế đã có trường hợp nhập viện.

Nhập viện vì chữa theo mách bảo

Chỉ nghe theo kinh nghiệm truyền miệng, nhiều người mắc bệnh gan đã tùy tiện bỏ thuốc điều trị để sử dụng một số thảo dược khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ và lương y. Thậm chí nhiều trường hợp đi khám thấy kết quả tăng men gan cũng uống thuốc lá theo kinh nghiệm…  Đã có trường hợp nhập viện và tử vong vì bài thuốc theo kinh nghiệm và mách bảo.

Tại khoa cấp cứu của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã từng tiếp nhận bệnh nhân ở Bắc Giang do tự ý dùng thảo dược bổ gan đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc. Được biết, bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, nghe theo lời mách bảo của người quen, tự ý bỏ thuốc điều trị gan và sử dụng thảo dược uống. Sau 2 tuần, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện dấu hiệu da vàng, mắt vàng, các biểu hiện của bệnh nặng nên được người nhà đưa tới cấp cứu tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Điển hình, có trường hợp bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C xin về để tự điều trị bằng thuốc của thầy lang mặc dù bệnh mới ở giai đoạn chớm xơ gan, có thể điều trị duy trì sức khỏe ổn định. Sau nửa tháng sử dụng thuốc của thầy lang, bệnh nhân đã nhập viện tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trở lại trong tình trạng suy gan cấp, suy thận. Bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, suy tạng. Sau một thời gian nằm viện điều trị cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân này đã tử vong.

Gần đây nhất, bệnh nhân Ng. T. Đ. (Nghệ An) qua giới thiệu truyền miệng đến thầy lang bắt mạch, bốc thuốc chữa xơ gan. Sau đó, anh rể bệnh nhân Đ. lên huyện miền núi Qùy Châu lấy thêm mấy thang thuốc lá dân tộc nữa. Sau 11 ngày sắc 2 loại thuốc trên uống liên tục,  bệnh nhân thấy cơ thể mệt mỏi nhiều, uể oải, bụng chướng, da vàng, mắt vàng nhiều, đại tiện liên tục nên phải nhập viện điều trị.Tại bệnh viện, bệnh nhân Đ. được bác sĩ chẩn đoán bị xơ gan mạn. Tiếp tục theo dõi và các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị ngộ độc dẫn đến suy gan do dùng thuốc Nam, kết hợp bệnh lý về máu.


Bệnh nhân N. T. Đ. đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An.

Thảo dược không thể dùng tùy tiện

Theo BS Trần Thị Hải –  Bộ môn y học cổ truyền, trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Do điều kiện thuận lợi của khí hậu nên nước ta có nhiều loại thảo dược trong đó có nhiều loại thảo dược thiên nhiên dễ kiếm, dễ tìm giúp nhuận gan, lợi mật, tiêu độc được các thầy thuốc sử dụng hỗ trợ chức năng tiêu hóa và gan mật, làm tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào gan. Các loại thảo dược như: Diệp hạ châu (Phyllanthus amarus), cây xuyên tâm liên (Andrographis paniculata), Bồ công anh (Taraxacum mongolicum), rau má, rễ cỏ tranh, mã đề, kim tiền thảo, râu ngô, nấm linh chi, đơn sâm …  Đã được áp dụng có hiệu quả trong việc cải thiện bệnh viêm gan mạn, HbsAg ( ), men gan cao. Tuy nhiên, việc sử dụng không thể áp dụng cho tất cả người bệnh mà tùy từng thể bệnh, cơ địa của từng người mà các vị thuốc trên có thể gia giảm cho phù hợp. Vì thế tuyệt đối không tự ý dùng. Do trong thành phần hóa học của cây lá thảo dược có những nhóm chất có tác dụng rất mạnh. Rất nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do trước đó họ sử dụng sai công dụng của dược liệu. Đã có trường hợp lấy thảo dược nhầm với các loại cây có độc tính cao khiến ngộ độc thậm trí đã có trường hợp cấp cứu muộn tử vong.  Chưa kể, nếu sử dụng các loại thảo dược kém chất lượng, thảo dược có sử dụng chất bảo quản…có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Vì vậy, người dân khi điều trị bệnh bằng Đông y nên uống thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc uy tín.

Diệp hạ châu (Phyllanthus amarus)

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh  Bệnh nhiệt đới Trung ương, tình trạng người bệnh ngộ độc các thảo dược thiên nhiên hiện khá phổ biến. Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận người bị ngộ độc thuốc Nam vào cấp cứu. Hoặc có những trường hợp bị bệnh không điều trị tại bệnh viện mà xin về uống thuốc Nam. Thuốc Nam vốn không độc nhưng nếu sử dụng thảo dược không đúng liều lượng, nhầm lẫn, điều trị không đúng bệnh, không đúng nguyên nhân gây bệnh,… có thể dẫn đến tình trạng bệnh tiến triển nặng, gây suy gan, suy thận. Đối với sử dụng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, khi sản xuất, bào chế ra các dược chất các nhà sản xuất đều phải có thời gian nghiên cứu, loại bỏ độc tố ở trong tinh chất chiết xuất từ thảo dược mới sử dụng an toàn. Vì vậy, việc sử dụng thuốc để chữa bệnh cần có sự tư vấn của thầy thuốc có uy tín, kinh nghiệm, không tự ý dùng, không điều trị theo mách bảo, các chuyên gia khuyến cáo.

Nguyễn Hà



Ý kiến của bạn