1. Vai trò của khí dung với các bệnh đường hô hấp
Khí dung là phương pháp sử dụng máy khí dung khuếch tán thuốc thành các hạt sương rất nhỏ khoảng 2-5 mcg (micrôgam). Các hạt sương này sẽ nhanh chóng tác động trực tiếp vào niêm mạc của đường hô hấp, từ đó có thể hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Khí dung có thể giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh đường hô hấp như: Viêm thanh quản, viêm mũi-họng, viêm mũi-xoang, viêm phế quản...
Ưu điểm: Thuốc thấm nhanh và có hiệu quả nhanh, giúp trẻ dễ sử dụng do không phải uống trực tiếp và giảm tác dụng phụ của các dạng thuốc uống thuốc hoặc tiêm...
2. Khí dung có gây tác dụng phụ không?
Nhiều người cho rằng khí dung không gây tác dụng phụ, tuy nhiên cũng như các loại thuốc điều trị bệnh khác, khí dung cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ tại chỗ như:
- Ho.
- Khàn giọng.
- Nhiễm nấm vùng miệng họng hoặc mặt.
- Kích thích niêm mạc hầu họng.
- Kích thích da mặt nếu sử dụng mặt nạ…
Có thể tránh các tác dụng phụ này bằng cách súc miệng, rửa mặt sạch sau khi dùng khí dung.
Trên thị trường có nhiều loại thuốc dùng trong khí dung: Kháng sinh, kháng viêm, tinh dầu, thuốc co mạch... Với mỗi trường hợp bệnh sẽ có loại thuốc phù hợp. Do đó, người bệnh không được tự ý khí dung ở nhà, khi chưa được bác sĩ chỉ định, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Thông thường, khí dung thường kéo dài từ 5-7 ngày, mỗi ngày khoảng 1-2 lần. Nếu dùng kéo dài, nhất là các thuốc kháng sinh, corticoid, co mạch... có thể gây những tác dụng không mong muốn nguy hiểm như: Suy gan, gây điếc, giữ nước, suy thượng thận, kích thích niêm mạc mũi, ngạt mũi, cảm giác bỏng rát, làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc, trường hợp nặng có thể gây sốc phản vệ...
3. Dùng khí dung thế nào cho hiệu quả?
Do đó, để dùng khí dung hiệu quả, an toàn, nên chú ý:
- Không phải bệnh đường hô hấp nào khi sử dụng khí dung cũng hiệu quả và với mỗi loại bệnh cũng cần phải lựa chọn đúng thuốc và sử dụng đúng liều dùng. Do đó, cần thực hiện phương pháp này theo chỉ đinh của bác sĩ. người bệnh không tự ý mua/sử dụng thuốc khí dung.
- Không tự ý tăng liều dùng khí dung khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ quá liều, ngộ độc thuốc nguy hiểm cho trẻ.
- Vệ sinh sạch máy khí dung sau mỗi lần sử dụng.
- Trong khi khí dung có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở trẻ cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tự ý sử dụng thuốc đông y chữa bệnh thận không qua chỉ định: Bác sĩ nói gì?