Bệnh nhân Cao Văn Đào, 66 tuổi vào Bệnh viện Bãi Cháy từ ngày 3/11 trong tình trạng khó thở, sốt cao, ho đờm đục. Sau gần 20 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn phải thở máy, sốt cao liên tục, thể trạng suy kiệt. Các bác sĩ Khoa Nội Hô hấp tiếp nhận điều trị và chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi kháng thuốc. Kết quả nuôi cấy dịch màng phổi xét nghiệm dương tính với siêu vi khuẩn Acinetobacter baumanii – loại vi khuẩn đa kháng, kháng tất cả các đĩa kháng sinh nuôi cấy.
Đánh giá về trường hợp bệnh nhân này, Bác sĩ CKI Đào Hồng Ngự, Trưởng kho Hô hấp BV Bãi Cháy cho biết “ Đây là ca bệnh nguy kịch. Bệnh nhân có tiền sử bệnh tai biến mạch máu não, di chứng liệt tứ chi, thể trạng yếu,thường xuyên phải điều trị thuốc kháng sinh tại nhà. Nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân mắc phải loại siêu vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter baumanii. Vi khuẩn này gây viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng vết thương, và các triệu chứng khác nhau tùy theo bệnh. Do đó, việc điều trị hết sức khó khăn do trường hợp bệnh kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có trên thị trường.”
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng thuốc từng được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy. Theo ước lượng thống kê, mỗi ngày Khoa hô hấp Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận điều trị 10 bệnh nhân có bệnh lý về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản bội nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp…Trong đó có khoảng 80% số bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và khoảng 50% trường hợp bệnh nhân có kháng từ ít nhất 1-2 loại kháng sinh. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện điều trị trong tình trạng bệnh trở nặng sau khi đã dùng qua nhiều loại kháng sinh từ các hiệu thuốc mà không hiệu quả.
Một trường hợp bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh đang điều trị tại Bệnh viện
Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Hoàn (Hà Khẩu, TP Hạ Long) bị ho nhiều, khó khạc đờm, sốt nhẹ, khó thở, mệt nhiều trong 1 tuần. Tuy nhiên, bà không đến bệnh viện khám mà tự mua thuốc ngoài hiệu thuốc để uống. Nhập viện trong tình trạng bệnh trở nặng, bà được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi theo dõi đợt cấp COPD. Việc điều trị cho bà Hoàn phải dựa vào kết quả kháng sinh đồ, dùng thuốc qua đường tiêm để đạt hiệu quả tốt nhất.
“Bị ho nhiều, có đờm vài ngày, tôi ra hiệu thuốc và được người bán kê cho 3,4 loại thuốc trị ho, long đờm, có cả kháng sinh. Cứ nghĩ bệnh như mọi lần uống hết liều là đỡ nhưng uống vài ngày không thấy đỡ, ho nhiều thêm và sốt nhẹ. Tôi đến bệnh viện Bãi Cháy khám và quá trình tôi nhập viện điều trị bệnh viêm phổi được các bác sĩ tư vấn, chăm sóc nhiệt tình. Đến nay bệnh đã đỡ, không còn bị ho và sốt. Tôi cũng rút ra kinh nghiệm nếu sau có bệnh thì không tự ý mua thuốc uống nữa, đến bệnh viện khám cho yên tâm.” – Bà Nguyễn Thị Hoàn chia sẻ.
Có thể thấy, việc bệnh nhân tự ý mua, sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh trên thị trường, không theo chỉ định, kê đơn của bác sĩ vô cùng nguy hiểm, làm cho thời gian điều trị bệnh kéo dài, không hiệu quả. Bệnh nặng thêm dẫn đến tình trạng cơ thể kháng nhiều loại thuốc kháng sinh.
“Người dân chúng ta vẫn giữ thói quen có bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào như ho, sốt, cảm…là ra hiệu thuốc và đa số thuốc mua về đều có thuốc kháng sinh. Nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc kháng sinh, uống thuốc không đúng chỉ định, liều lượng, uống loại này không đỡ lại chuyển sang loại khác dẫn đến tình trạng bị kháng nhiều loại thuốc kháng sinh. Điều tồi tệ nhất là khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết… Vì vậy để việc điều trị thuốc kháng sinh có hiệu quả, tất cả các bệnh lý về vi khuẩn cần phải được bác sĩ khám và kê đơn điều trị”. – Bác sĩ CK I Đào Hồng Ngự cho biết.
Chia sẻ về kê đơn thuốc kháng sinh, bác sĩ Khoa Hô hấp cho biết thêm: Bệnh nhân mới vào viện thăm khám, có kết luận chẩn đoán bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn và chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc theo kháng sinh kinh nghiệm bằng cách định khu các nhiễm khuẩn do vi khuẩn để lựa chọn loại kháng sinh phổ rộng có tác dụng với loại vi khuẩn đó. Sau 3 ngày có kết quả kháng sinh đồ, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị theo kháng sinh đồ. Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể chọn đúng thuốc trị đúng bệnh, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh, giúp việc điều trị bệnh có hiệu quả và rút ngắn thời gian, chi phí điều trị bệnh cho người bệnh.
Theo đó, để ngăn chặn, phòng ngừa hiểm họa kháng thuốc kháng sinh thì không chỉ bác sĩ mà mỗi người bệnh cũng phải ý thức việc “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”. Bệnh nhân khi cần chữa bệnh bằng thuốc kháng sinh phải được bác sĩ khám bệnh, kê đơn, không tự ý mua thuốc trên thị trường, sử dụng thuốc đúng cách thức thời gian, liều lượng kháng sinh.