Cây mọc hoang ở vùng rừng núi, ven sông suối các tỉnh thuộc Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Cây còn được trồng ở một số nơi vùng đồng bằng và trung du.
Hằng năm, cứ vào tháng 8-9, khi quả ba đậu chín (chưa nứt vỏ), người dân ở các địa phương có cây thường vào rừng thu hái quả đem về, phơi nắng cho khô, rồi bán cho cửa hàng thu mua dược liệu để xuất khẩu và dùng làm thuốc.
![]() Quả và hạt ba đậu. |
Ở một số vùng núi, nhân dân tự ý dùng hạt ba đậu để uống chữa đầy bụng, khó tiêu, táo bón nên đã bị ngộ độc, nhẹ thì đau bụng, đi ngoài, nóng rát ở hậu môn, nặng thì bỏng họng, nôn mửa, viêm ruột, tiêu chảy mạnh ra máu, mạch đập nhanh và yếu, huyết áp hạ, toát mồ hôi, có thể tử vong. Dùng ngoài, dầu ba đậu gây sung huyết, viêm da, bỏng rát, phồng rộp, mọng nước, sau đó thành mụn, lở loét, tróc da. Đặc biệt, tập quán lâu đời dùng hạt đậu để đánh duốc cá đã gây nhiều tác hại. Cá bị duốc chết gần hết trong khu vực rộng. Người ăn cá chết vì duốc sẽ bị ngộ độc. Nguồn nước do duốc cá cũng bị nhiễm độc gây mẩn ngứa, lở loét cho người tắm rửa.
Do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và tác hại lớn cho kinh tế, không nên dùng hạt ba đậu và dầu ba đậu để chữa bệnh, dù là ba đậu sương hoặc hắc ba đậu và nhất là cấm tuyệt đối dùng duốc cá. Chỉ nên dùng hạt ba đậu làm thuốc trừ sâu bệnh phá hoại mùa màng và diệt côn trùng, nhưng khi pha chế cũng phải hết sức thận trọng.
Chú ý: Bên cạnh cây ba đậu, còn có cây ba đậu nam (hay dầu mè) và cây ba đậu tây (vông đồng) cũng thuộc họ thầu dầu và cũng là những cây rất độc như ba đậu vì vậy cần hết sức tránh.
DS. Hữu Bảo