Hà Nội

Tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook bị phạt đến 20 triệu đồng

16-04-2020 21:35 | Pháp luật
google news

SKĐS - Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã chính thức có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý có thể bị phạt 10-20 triệu đồng.

Đăng ảnh người khác lên Facebook mà không xin phép bị phạt đến 20 triệu đồng

Trước tình trạng thông tin giả mạo, sai lệch sự thật, mất kiểm soát trên mạng xã hội không ngừng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4 với nhiều quy định rõ hơn, chi tiết hơn liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông. Nghị định này thay thế cho Nghị định 174/2013 trước đó. Với Nghị định 15, việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội rõ ràng hơn. Trao đổi về vấn đề này Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự cho biết, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định chặt chẽ về việc sử dụng mạng xã hội. Đáng chú ý trong Nghị định này có quy định hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” (điểm e, khoản 3, Điều 102) sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Như vậy, theo quy định tại điểm này thì hành vi tự ý đăng bất kỳ hình ảnh nào của người khác lên Facebook nhưng không xin phép cũng sẽ bị xử lý theo quy định. Trong trường hợp, nếu phát hiện người nào tự ý sử dụng hình ảnh không được sự đồng ý của bản thân thì có thể báo với cơ quan chức năng để được xử lý theo quy định. Trước đó, Điều 32 Bộ luật Dân sự cũng đã quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh phải được cá nhân đó đồng ý. Do đó, có thể hiểu việc tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook mà chưa được sự đồng ý cũng bị coi là vi phạm.

Liên quan đến hành vi Giả mạo Facebook người khác để lừa tiền, khoản 1 Điều 81 Nghị định 15 nêu rõ, phạt 30-50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2 triệu đồng. Luật sư Hải lý giải quy định này có thể được hiểu là việc giả mạo Facebook của cá nhân/tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt dưới 2 triệu của tổ chức/cá nhân thì sẽ chịu mức phạt 30-50 triệu.

Tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook bị phạt đến 20 triệu đồngNếu phát hiện người khác sử dụng hình ảnh của mình thì có thể báo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Đăng thông tin rùng rợn bị phạt đến 20 triệu

Liên quan đến hành vi lợi dụng mạng xã hội đưa tin sai, xuyên tạc... theo quy định tại Điều 101; khoản 3, Điều 102, Nghị định này thì các hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Trong đó, một số hành vi bị xử lý như: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin; Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số; không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;...

Có thể thấy, sau Luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực thì đây là văn bản pháp luật tiếp theo chính thức có hiệu lực nhằm bảo đảm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng cho người dùng cũng như hướng đến việc xây dựng không gian mạng lành mạnh.


H. Phong
Ý kiến của bạn