Tự ý cứu bệnh nhân

05-08-2023 11:00 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Bệnh nhân thì đã hôn mê và cũng không có người nhà đi theo. Vậy tư vấn cho ai và ai ký cam kết mổ? Bởi mổ cắt tử cung là vấn đề hệ trọng ở bệnh nhân mới hơn 30 tuổi.

LTS: Thực tế cho thấy có không ít trường hợp vì sự sống của người bệnh bác sĩ phải 'tự ý' làm phẫu thuật hay cắt bỏ một bộ phận nào đó của bệnh nhân mà chưa được sự đồng ý của gia đình họ và bác sĩ phải gặp rắc rối, hiểu lầm và những búa rìu của dư luận. Dù vậy với y bác sĩ mục tiêu tối thượng của họ là sự sống của bệnh nhân.

Chia sẻ dưới đây về một ca bệnh điển hình vừa xảy ra hôm qua của TS.BS Bùi Chí Thương – Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) sẽ giúp độc giả hiểu rõ và trân quý hơn những người thầy thuốc.

*****

Buổi tối, tôi đang ăn cơm thì được bác sĩ trưởng tua trực Minh Huyền gọi:

- Anh ơi, có một bệnh nhân vừa vào tới Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định thì ngất xỉu rồi.

Tôi hỏi:

- Sao xỉu em? Bệnh nhân sao rồi?

Bác sĩ Huyền trả lời:

- Bệnh nhân ra máu âm đạo ở nhà 2 tuần nay. Hôm nay mệt quá, không chịu nổi nên vào bệnh viện nhưng vừa đến thì bệnh nhân không còn nói được nữa, bệnh nhân không đo được mạch, huyết áp.

Nóng ruột tôi hỏi:

- Em đã cấp cứu gì rồi?

Bác sĩ Huyền trả lời nhanh:

- Em đã cấp bách chuyển lên hồi sức ngoại và mời bác sĩ gây mê hồi sức đặt nội khí quản và đang bơm máu để cứu bệnh nhân.

Nghe xong, tôi ý kiến:

- Em phản ứng vậy là nhanh, phù hợp. Trước mắt phải hồi sức, bảo đảm hô hấp, tuần hoàn. Mục tiêu tối thượng là bệnh nhân sống, sau đó thì mình mới tiến hành tìm nguyên nhân.

Mục tiêu tối thượng là bệnh nhân sống! - Ảnh 1.

Khối u của bệnh nhân được các bác sĩ cắt bỏ.

Sau khi bệnh nhân có mạch, huyết áp, bác sĩ Huyền bắt đầu kiểm tra, thấy máu chảy ra từ âm đạo nhiều và có một cục u xơ to thập thò ngay cổ tử cung, sờ trên bụng thì tử cung cũng to, nghĩa là còn u xơ tử cung khác nữa.

Các bác sĩ chuyên khoa khác nhau đang hội chẩn tại chỗ và ý kiến: Phải giải quyết nguyên nhân ngay để cầm máu, nghĩa là phải cắt tử cung.

Nhưng vấn đề đặt ra là bệnh nhân thì đã hôn mê mà cũng không có người nhà đi theo. Vậy tư vấn cho ai và ai ký cam kết mổ? Bởi mổ cắt tử cung là vấn đề hệ trọng ở bệnh nhân mới hơn 30 tuổi. Chưa kể là bệnh nhân đã mất máu thế này, Hb (huyết sắc tố) chỉ còn 1,4g% và Hct (tỷ lệ tế bào hồng cầu trong máu) chỉ còn 7% thì sẽ dẫn đến rối loạn đông máu và suy đa tạng. Đụng dao kéo vào máu sẽ không cầm được, rất nguy hiểm.

Sau khi cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ, tôi khuyên và bác sĩ Huyền quyết định luồn ngón tay lần theo chân u xơ để cắt u ngả âm đạo.

Tiếp đó, lấy u ra nhưng máu vẫn chảy xối xả, bác sĩ buộc phải nạo lấy hết máu đọng và chèn bóng vào lòng tử cung ép cầm máu.

Các bác sĩ hồi hộp nhìn ống dẫn từ lòng tử cung, máu từ từ giảm dần và...ngưng. Họ thở phào tập 1 vì giữ được tử cung và hết... chảy máu.

Sau khi giải quyết nguyên nhân chảy máu tạm ổn. Các đồng nghiệp gây mê hồi sức bắt đầu đối diện với hậu quả của mất máu cạn kiệt đó là truyền máu khối lượng lớn và suy đa tạng khi men gan tăng rất cao và chức năng thận giảm nặng do suy thận cấp trước thận, hoại tử cơ tim... Các bác sĩ đã chuẩn bị tinh thần sẽ lọc máu liên tục (CRRT).

Sau 3 ngày với truyền hơn 20 đơn vị máu và chế phẩm của máu, cùng với sự điều trị tích cực của các chuyên gia hồi sức, tim mạch, thận, tiêu hóa..., bệnh nhân đã khỏe lại và cười trong tiếng vỗ tay chúc mừng của nhân viên y tế và người thân.

Cảm ơn các đồng nghiệp của bệnh viện đã kéo bệnh nhân ra khỏi lưỡi hái tử thần, giúp bệnh nhân thoát khỏi lằn ranh sanh tử trong gang tấc.

Công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa!

Sự hy sinh thầm lặng của 'nữ chiến sĩ áo trắng' trong lĩnh vực sản phụ khoaSự hy sinh thầm lặng của "nữ chiến sĩ áo trắng" trong lĩnh vực sản phụ khoa

SKĐS - BSCK II. Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - đã mang đến hạnh phúc cho hàng triệu thai phụ trong hành trình đón con yêu chào đời.


TS.BS Bùi Chí Thương
Trưởng khối Sản, BV Nhân dân Gia Định
Ý kiến của bạn