Tự ý cho trẻ dùng thuốc có thể gây nguy hiểm tính mạng

01-06-2021 11:41 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng khi trẻ bị ốm, nhiều bậc phụ huynh vẫn tự mua thuốc điều trị cho con. Không dừng ở đó, nhiều người còn tự ý kết hợp thuốc... làm tăng nguy cơ rủi ro cho trẻ.

Sốc nhiễm khuẩn do tự dùng thuốc

Bé T.Đ.H. (3 tuổi, Vĩnh Phúc) vào cấp cứu tại Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc trong tình trạng sốt cao hơn 39oC. Gia đình cho biết, bé đã sốt cao 2 ngày, nhưng vì ngại đi khám nên đã mua thuốc kháng sinh về cho uống. Tuy nhiên, bé không hết sốt mà có dấu hiệu nặng hơn, nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc... Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc nhiễm khuẩn.

Nghi ngờ nguyên nhân đến từ vết thương đã mưng mủ ở ngón chân cái, các bác sĩ đã nuôi cấy mẫu máu và phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng. Đây là vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm gây bệnh cảnh nhiễm trùng nhiễm độc rất nặng, nếu không điều trị kịp, nguy cơ tử vong rất cao.

BS. Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) cho biết, bệnh ở trẻ em diễn biến rất nhanh. Ở trường hợp bé H. hôm trước chỉ sốt thôi nhưng không được can thiệp kịp thời, 1-2 hôm sau bé H. đã có dấu hiệu của sốc nhiễm trùng. Thật may, tại bệnh viện, bé H. ngay lập tức được được hồi sức tích cực, thở máy, bù dịch, dùng nhiều loại thuốc vận mạch và kháng sinh mạnh... Hiện tại bé H. đã tạm qua cơn nguy kịch nhưng để lại nhiều di chứng như viêm phổi, viêm khớp... Bé đã được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tiếp.

Cha mẹ không nên làm

Cha mẹ không nên làm "bác sĩ" tự chữa bệnh cho con.

Bệnh trầm trọng do dùng đơn thuốc cũ

Trường hợp bé Đ.B.K. (7 tuổi, Vĩnh Phúc) cũng tương tự. Khi thấy bé K. có triệu chứng giống như thủy đậu (các nốt đỏ ngoài da, không ngứa, không sốt...), chị N.T.T, mẹ bé cho rằng bé K. bị lây từ bé út đã mắc trước đó, nên đã cho con uống lại thuốc bác sĩ đã kê đơn cho bé út. Ngoài ra, chị còn cho uống thuốc medrol và deslormeyer. Tuy nhiên, bệnh con không khỏi mà lại càng làm bùng phát bệnh thủy đậu. Lúc này chị mới lo lắng cầu cứu bác sĩ.

Sau khi xem các loại thuốc mà bé K. đã dùng, các bác sĩ cho biết, bé đã uống những loại thuốc không cần thiết. Thứ nhất, medrol là thuốc corticoid. Đây là thuốc không được sử dụng cho thủy đậu vì gây giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, dễ làm bệnh do virus (thủy đậu) bùng phát mạnh hơn. Ngoài ra, thuốc deslormeyer chị T. cho con uống thêm lại cùng nhóm với thuốc clorpheniramine (đơn thuốc cũ). Đây cũng là một kháng histamine giúp chống dị ứng. Nguy hiểm là việc kết hợp 2 thuốc cùng loại một lúc có thể làm gia tăng tác dụng phụ của loại thuốc giảm ngứa này, khiến trẻ có thể nhìn mờ, buồn ngủ, đau đầu, buồn nôn, khô mắt, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, thay đổi huyết áp...

Lời khuyên của thầy thuốc

Theo BS. Nguyễn Hữu Thảo, đây chỉ là số ít trong nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện do tự ý dùng thuốc. Thuốc là con dao hai lưỡi, việc dùng bất cứ loại thuốc nào cũng phải được sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Việc sử dụng thuốc bừa bãi, nhất là kháng sinh, dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, gây các tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí làm trầm trọng thêm một số bệnh... Dùng thuốc cần đúng người đúng bệnh, đúng liều lượng... để có thể hạn chế các tác dụng phụ, giảm chi phí và thời gian điều trị.

BS. Nguyễn Hữu Thảo nhấn mạnh, phụ huynh không nên chủ quan, ngại đi khám khi trẻ ốm, nhất là với trẻ bị sốt. Bởi sốt có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng nhiễm trùng nào đó. Việc không khám và điều trị kịp thời có thể sẽ bị bỏ qua triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Đặc biệt, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc, tự ý kết hợp các loại thuốc, dùng đơn thuốc cũ...  sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ, nếu không được cấp cứu kịp thời.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn