Kinh nghiệm trên toàn cầu cho thấy mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm rất thành công trong việc tăng tỷ lệ xét nghiệm trong nhóm những người có nguy cơ cao với HIV. Hướng dẫn năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các dịch vụ xét nghiệm HIV đã đưa ra khuyến cáo mới về việc cho phép những cán bộ không chuyên đã được tập huấn có thể thực hiện xét nghiệm HIV, trong đó có lưu ý tính an toàn và hiệu quả của cách tiếp cận này. Người ta nhận thấy có thể tăng tỷ lệ xét nghiệm trong nhóm nguy cơ cao lên nhiều khi xét nghiệm được chính những người được tin tưởng trong cộng đồng cung cấp.
Cục Phòng chống HIV/AIDS đã xác định mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng là một chiến lược đầy hứa hẹn nhằm tăng tỷ lệ xét nghiệm HIV tại Việt Nam. Đây cũng là một bước quan trọng góp phần đạt được chỉ tiêu đầu tiên trong mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 tức là 90% người nhiễm HIV được phát hiện. Hiện nay, chiến lược xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã được đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Từ năm 2015, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường triển khai thí điểm mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở các tỉnh được lựa chọn. Các nhóm nguy cơ cao hiện nay có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm sàng lọc nhanh với HIV do nhân viên xét nghiệm cộng đồng cung cấp. Những người có kết quả xét nghiệm “có phản ứng” sẽ được chuyển tới cơ sở y tế để làm xét nghiệm khẳng định.
Từ tháng 10 năm 2015, Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường (Healthy Markets) đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS các tỉnh để tập huấn cho 235 nhân viên xét nghiệm không chuyên – là những người không được đào tạo chuyên ngành y tế - cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV có chất lượng bằng việc sử dụng một sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán nhanh HIV. Mô hình thí điểm đã tiếp cận được với một tỷ lệ lớn những người chưa từng được xét nghiệm HIV (70%), hoặc những người không thường xuyên xét nghiệm HIV. Tổng số hơn 1.400 ca nhiễm HIV mới đã được phát hiện (7% HIV dương tính ở khu vực thành thị, và 3% ở khu vực nông thôn), và 93% đã được đưa vào chương trình điều trị. Dịch vụ tự xét nghiệm HIV do Cục Phòng chống HIV/AIDS khởi động từ tháng 8/2016, cho đến nay đã có hơn 1.300 người lựa chọn hình thức tự xét nghiệm này.
Thứ Trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo tổng kết một năm thí điểm hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và phổ biến tài liệu tự xét nghiệm HIV của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Xét nghiệm HIV, mọi người trong cộng đồng nếu muốn đều có thể tự làm ở nhà như xét nghiệm thai sớm, xét nghiệm tiểu đường. Khi có kết quả nghi ngờ nhiễm HIV, phải được khẳng định kết quả tại phòng xét nghiệm khẳng định được Bộ Y tế công nhận và lúc đó mới điều trị bằng thuốc kháng virus”
Tự xét nghiệm HIV đã được chứng minh là một lựa chọn có tính trao quyền, riêng tư và được chấp nhận bởi nhiều nhóm - gồm nam giới, thanh niên, nhân viên y tế, phụ nữ mang thai, và các nhóm dân cư nói chung khác. Hướng dẫn của WHO nhấn mạnh rằng dù với cách tiếp cận xét nghiệm HIV nào, tự xét nghiệm nên luôn luôn mang tính tự nguyện, không ép buộc. Bất cứ ai có kết quả xét nghiệm có phản ứng cần thực hiện thêm xét nghiệm khẳng định ở cơ sở y tế, được cung cấp các thông tin về HIV, và được hỗ trợ tư vấn kịp thời về các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV.
Ngoài ra, WHO khuyến cáo rằng những người nhiễm HIV cần được khuyến khích và hỗ trợ để thông báo cho bạn tình của họ về khả năng phơi nhiễm HIV, có thể là tự thông báo hay được nhân viên y tế hỗ trợ. Việc này nhằm khuyến khích người nhiễm HIV hỗ trợ bạn tình của mình, hoặc người cùng tiêm chích ma túy đi xét nghiệm, để họ cũng có thể được điều trị nếu họ nhiễm HIV. Những xét nghiệm này phải luôn luôn mang tính tự nguyện và có sự đồng ý rõ ràng của người nhiễm HIV.