PV: Thưa ThS.BS Long, ông có thể chia sẻ thêm về lý do gắn bó và yêu nghề suốt hàng chục năm qua?
Tôi là người hay bị bệnh vặt từ nhỏ vì nhà ở Lâm Đồng, thời tiết rất lạnh. Cả vùng xung quanh hồi ấy chưa có bác sĩ và bệnh viện thì ở rất xa nhà. Tôi còn nhớ như in những đêm khuya lên cơn sốt, mẹ hay lau người tôi bằng nước ấm pha với chanh để hạ nhiệt độ.
Chính vì ngày xưa chỗ tôi rất ít bác sĩ nên tôi luôn mong ước trở thành thầy thuốc để có thể chữa bệnh cứu giúp bà con. Rồi những khi ốm đau được mẹ dắt đi khám ở bệnh viện, thấy các nhân viên y tế mặc áo blouse trắng, tôi yêu thích và thần tượng hình ảnh ấy. Từ đó, tôi nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy thuốc.
Sau này ra trường và trực bệnh viện, có những đêm dường như thức trắng để cấp cứu bệnh nhân, có những lúc ăn trưa, vừa mới gọi đĩa cơm ở căng-tin thì có bệnh nhân ngưng tim, tôi phải bỏ dở để chạy đi cấp cứu. Nhưng mỗi khi cấp cứu thành công, nhìn ánh mắt vui mừng của bệnh nhân và người nhà, tôi thực sự rất vui và như được tiếp thêm động lực để gắn bó, yêu nghề hơn.
PV: Hành trình trở thành Phó Trưởng bộ môn Nội, khoa Y Dược, trường ĐH Tây Nguyên của bác sĩ Long?
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và đạt giải nhất tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ Y Dược Toàn quốc tổ chức ở Nam Định năm 2012, tôi may mắn được các thầy trong bộ môn Nội giữ lại làm giảng viên của trường.
Thời gian đầu, tôi vừa phải trực bệnh viện trường, vừa phải ngồi phòng khám và trực ở Khoa Tim mạch, Bệnh viện Vùng Tây Nguyên. Những hôm ra trực đều phải ở lại làm thuốc bệnh phòng, trợ giảng và dạy sinh viên. Sau này tôi đi học về thì được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Bộ môn Nội, kiêm Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên.
PV: Được biết Bác sĩ Long đang hỗ trợ thăm khám, đánh giá, tư vấn cho các trường hợp bị thừa cân béo phì?
Các trường hợp thừa cân, béo phì được tôi khám sàng lọc, đưa đi làm xét nghiệm chuyên sâu, từ đó có những đánh giá, tư vấn. Tôi cũng xử lý vấn đề họ gặp phải trong quá trình giảm cân, ví dụ khi học viên bị đau khớp, mệt, sốt, tiêu chảy…
Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần, hàng tháng tôi sẽ khám lại và đánh giá các vấn đề phát sinh. Có những bệnh lý nền phức tạp đi kèm như tăng huyết áp mà bệnh nhân trước đó đang dùng thuốc thì tôi phải khám, theo dõi và kê đơn.
Ngoài ra, tôi còn làm nhiệm vụ phân tích, đọc cận lâm sàng cho những học viên bệnh lý online. Tôi cũng đào tạo các bạn PT (Personal Trainer - HLV cá nhân) và tư vấn viên trong vấn đề theo dõi, chăm sóc học viên, khách hàng.
PV: Bác sĩ có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực giảm béo, cả hiện tại và tương lai?
Từ trước đến nay, tôi phần lớn hỗ trợ các ca cân nặng lớn trên 150 kg, kèm theo rất nhiều bệnh lý nền bắt nguồn từ việc sử dụng bừa bãi nhiều loại thuốc không theo kê đơn… Khi đến gặp tôi thì họ đã gặp phải một loạt vấn đề như rối loạn lipid máu, ngưng thở khi ngủ, tiền đái tháo đường - đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm khớp, tăng đông và tắc mạch, bệnh lý tim…
Những bệnh này có thể xảy ra biến cố bất cứ khi nào, do vậy việc sàng lọc, đánh giá và đưa ra giải pháp điều trị sao cho thích hợp và an toàn là điều quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân có thói quen ăn uống phi khoa học, hút thuốc lá, ăn nhiều dầu mỡ, ăn mặn… cho nên ban đầu khuyên họ thay đổi rất khó khăn.
PV: Câu chuyện của bệnh nhân nào khiến bác sĩ xúc động và nhớ mãi đến bây giờ?
Câu chuyện khiến tôi xúc động và nhớ mãi đến bây giờ là có một người đàn ông ở TP.HCM gặp tình trạng béo phì. Anh ấy còn bị hội chứng Brugada (rối loạn nhịp tim dễ gây đột tử). May mắn là anh ấy được đưa vào bệnh viện sớm và đặt máy tạo nhịp tim.
Sau khi ra viện, dường như ý thức của anh ấy giảm rất nhiều, không thể đảm nhận công việc hàng ngày nên cơ quan cho nghỉ 1 lần. Sau này gia đình anh biết đến Bye Béo, cả nhà gồm 2 vợ chồng và 1 đứa con dắt tay nhau đến Buôn Ma Thuột sống, sinh hoạt và tập luyện ở đây trong 3 tháng. Đối với trường hợp này, công ty thấy hoàn cảnh của gia đình khó khăn nên hỗ trợ miễn phí khám, theo dõi và xây dựng chương trình tập luyện.