Mới đây, tại xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, Đăk Nông, người thân phát hiện ông Phạm Duy Th. (53 tuổi) đang sùi bọt mép, lên cơn co giật, mặc dù khẩn trương đưa đến bệnh viện để cấp cứu nhưng không kịp. Người ta đã phát hiện tại hiện trường có hai kẹo bả chó có hình thù giống với kẹo mút, nguyên nhân ban đầu được xác định do ăn nhầm phải mẩu bả chó này.
Những “viên kẹo” bả chó gây chết người
Liên quan đến vụ việc đáng tiếc ở trên, Cơ quan công an huyện Cư Jút thu giữ 2 mẫu vật mà ông Thành ăn phải đã qua xác định ban đầu là bả chó. Được biết, tại địa bàn tỉnh Đăk Nông, Cơ quan công an tại địa phương đã nhiều lần thu giữ bả chó từ các vụ trộm chó. Theo ông Lê Văn Lịch, Phó trưởng Công an xã Trúc Sơn, loại bả chó này cực độc, được làm với hình dạng viên kẹo mút mà những kẻ trộm chó thường sử dụng ném cho chó ăn gây ngộ độc để dễ bắt.
Bả chó hình kẹo mút được người dân phát hiện.
Trước đó, hồi đầu tháng 6/2015, Công an thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam cặp vợ chồng chuyên dùng bả độc để trộm chó là Nguyễn Thế B. cùng vợ là Trần Thị Kim O. (đều 35 tuổi, quê Thái Bình) về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Theo Công an thị xã Bến Cát, Bình Dương, loại bả độc này nguy hiểm ở chỗ nó được ngụy trang rất khéo léo, lại có hình dạng như một cây kẹo mút nên rất dễ gây hiểu lầm, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Theo BS. Nguyễn Văn Ký, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, tại khoa chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc do ăn phải bả chó giống “kẹo mút”, đồng thời cũng chưa có nghiên cứu nào đánh giá, nhận định về chất độc có trong bả chó này. Thường bả chó được làm bằng nhiều nguồn chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc chuột... Khi chó trúng bả, lượng chất độc ngấm vào máu, nhưng khi chế biến không loại trừ được hết các chất này. Độc tố sẽ tác động tiêu cực tới cơ thể người ăn, phản ứng nhẹ sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, gia tăng bài tiết, nặng có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.
Nguy hại từ những con chó bị đánh bả
Đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành quy định về kiểm soát giết mổ chó, tại Việt Nam, theo Quyết định 87/2005/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT ban hành về quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật thì quyết định này chỉ áp dụng cho trâu, bò, dê, cừu, heo, gia cầm; riêng thịt chó thì không. Nguyên nhân chưa ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó xuất phát từ việc nhiều tổ chức trên thế giới phản đối việc giết mổ chó lấy thịt làm thực phẩm. Ngay cả một số quốc gia trong khu vực sử dụng nhiều thịt chó cũng không thể ban hành quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chó. Do vậy, các lò giết mổ và cơ sở kinh doanh thịt chó ở ta luôn ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y, y tế.
Theo số liệu của Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA) công bố, Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 5 triệu con chó bị giết để chế biến thành các món ăn phục vụ nhu cầu của con người. Mỗi năm có khoảng 300.000 chú chó được vận chuyển từ Thái Lan, đi qua lưu vực sông Mekong, sang Lào và sau đó đưa vào Việt Nam để tiêu thụ. Ngành nghề buôn bán thịt chó khan hàng tới mức ở Việt Nam, hành nghề “cẩu tặc” có mảnh đất màu mỡ để lộng hành. Mặc dù trong thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, những vụ việc “cẩu tặc” bị người dân đánh chết không hề ít. Chính vì vậy, bả chó hình giống “kéo mút” đang được chúng sử dụng như là một công cụ hỗ trợ hiệu quả.