Ho không nhất thiết phải dùng kháng sinh
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, ho là một triệu chứng chứ không phải bệnh lý, ho thông thường do cảm lạnh, cảm cúm hoặc chúng ta hít phải các khí lạ trong môi trường gây kích thích ho. Còn ho bệnh lý (nặng) thì thường là do các bệnh ở đường hô hấp dưới (như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…) có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của em bé. Còn các bệnh đường hô hấp trên (cảm lạnh, viêm mũi, viêm tai mũi họng…) không nặng đến mức nguy hiểm và không cần phải lo lắng lắm. Các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ ho thông thường (có thể có sốt, vẫn chạy nhảy ăn chơi bình thường, không có khó thở nặng) thì không phải là bệnh đường hô hấp dưới.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng.
Hiện nay có rất nhiều cách trị ho, thuốc ho bây giờ cũng có rất nhiều, dân gian cũng có nhiều bài thuốc. Tuy nhiên, vị chuyên gia Nhi khoa này khuyến cáo, nếu ho không phải bệnh nặng, không phải biến chứng viêm phổi, viêm tai..., tức là những bệnh không cần dùng kháng sinh thì chỉ cần dùng thuốc ho theo hướng dẫn của bác sĩ là được. Thông thường các thuốc ho chế từ các sản phẩm thiên nhiên thì thường không độc hoặc rất ít độc, thì các phụ huynh có thể mua được. Nhưng còn các loại thuốc ho tây y thì không thể dùng tuỳ tiện. Gần đây một số nước châu Âu quy định dưới 2 tuổi là phải rất cẩn thận với thuốc ho tây y. Còn với trẻ dưới 2 tháng thì WHO khuyến cáo là không cho uống thuốc ho. Cần chú ý nếu dùng thuốc thời gian 2-3 ngày mà không đỡ, bệnh nặng lên hoặc các dấu hiệu khác thì cần đến bệnh viện.
Sau đó, trẻ bị khó thở, bỏ bú, gia đình vội đưa con vào bệnh viện khám thì đã muộn. Thời điểm bệnh nhi vào khám, bệnh đã tiến triển rất xấu dẫn đến suy hô hấp kéo dài, ngừng tim và tử vong sau đó.
“Với các phương pháp chữa ho dân gian như hấp chanh quất đường phèn, rồi chanh đào mật ong cũng rất tốt với trẻ ho thông thường. Tuy nhiên với sự ô nhiễm môi trường như hiện nay thì cha mẹ cần hết sức lưu ý khi dùng cách chữa ho này. Chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm có sẵn được làm từ thiên nhiên đảm bảo quy trình vệ sinh, nồng độ, liều lượng”- PGS. Dũng nói.
Nôn trớ sau ho có phải bệnh lý?
Không ít phụ huynh bày tỏ lo lắng trẻ bị nôn trớ sau ho sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, ảnh hưởng đến mũi họng, trẻ biếng ăn, tăng cân chậm… Về vấn đề này, PGS. Dũng cho biết, muốn biết trẻ có suy dinh dưỡng không thì phải đi khám chứ không nên nhìn nhận một cách phiến diện. Nhiếu trường hợp trẻ bị ép ăn nhiều dẫn đến trào ngược mà bị trào ngược thì không thuốc gì chữa được. Hoặc trẻ bị chảy nước mũi xuống họng khi nằm (chuyên môn gọi là chảy mũi sau) thì hay bị ho và nôn trớ (chuyên môn gọi là nôn thứ phát khi chảy mũi sau).
Vậy nôn trớ có phải là bệnh lý không? PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, trên thực tế, không có đứa trẻ nào không từng nôn trớ, đây là hiện tượng khá thường gặp. Thông thường thức ăn đi miệng qua thực quản xuống dạ dày, trớ là ăn xong thức ăn từ dạ dày lên miệng. Nôn là ngoài trào do co thắt dạ dày còn do co thắt bụng. Những đứa trẻ nhỏ do cấu tạo dạ dày dưới 1 tuổi dạ dày nằm ngang nên dễ trớ.
“Các bà mẹ thường lo lắng, gây áp lực cho bà mẹ là con mình thấp hơn con hàng xóm mà không quan tâm đến chiều cao. Nôn trớ là bệnh lý của đường tiêu hóa, nhưng đôi khi nó lại là bệnh lý của đường hô hấp như hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản,… trớ liên tục. Những trường hợp nôn kéo dài dễ là bệnh lý, thậm chí có bệnh lý dạ dày nôn cũng có xuất hiện. Nếu cha mẹ lo lắng con bị suy dinh dưỡng thì nên cho trẻ đến bác sĩ để xem cháu có bệnh lý gì không , tiếp đó là tìm đến tư vấn bác sĩ dinh dưỡng nếu không có bệnh lý gì”- PGS. Thúy khuyến cáo.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy.
Không lạm dụng rửa mũi cho trẻ
Rất nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, trẻ nhỏ ho là liên quan đến đường mũi - họng rất lớn. Cho nên đã thường xuyên rửa mũi cho con, song PGS. Dũng cho rằng, mũi có cơ chế tự làm sạch, khi chức năng của mũi còn hoàn hảo (không chảy mũi...) thì không phải rửa mũi hàng ngày. Chỉ khi có bệnh, chảy nước mũi thì cha mẹ mới nên rửa nhưng phải rửa đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không rửa đúng cách thì vô hình chung chúng ta mang vi khuẩn vào mũi của trẻ.
PGS. Thúy cũng cho rằng: “Mũi của chúng ta có rất nhiều chức năng, trong đó có chức năng hít thở, làm ẩm không khí, lọc sát khuẩn. Nên khi chúng ta can thiệp vào tự nhiên đã là có vấn đề rồi. Đứa trẻ không có khả năng tự xịt ra như người lớn nên người ta phải can thiệp rửa mũi để làm sạch. Tuy nhiên nếu rửa không đúng cách có thể gây viêm tai giữa do áp lực chảy vào tai, hoặc đưa vi khuẩn vào nếu dùng dụng cụ hút nhiều lần. Vì vậy phải rửa đúng cách và không lạm dụng, chỉ nên rửa khi trẻ có bệnh bị chảy mũi”.
Khi trẻ bị ho, đầu tiên phải chú ý tới dinh dưỡng, bởi ho khiến trẻ biếng ăn, dễ suy dinh dưỡng. Khi suy dinh dưỡng, sức đề kháng suy giảm, ho lại càng nặng lên. Trong khẩu phần ăn cần đảm bảo năng lượng cho trẻ: cung cấp đủ tinh bột, đạm, chất béo, chế biến thức ăn mềm lỏng. Nhưng lỏng vừa phải thôi, nếu loãng quá làm thấp năng lượng, làm trẻ suy dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn loại đạm quý trong thời điểm này, như cho trẻ ăn thịt bò, thịt gà, trứng, sữa. Theo quan điểm đông y, khi ho thường kiêng thịt gà. Tuy nhiên, xét về cơ sở khoa học, thì thịt gà không có thành phần gây ra ho. Ngược lại, trong nước dùng gà còn có thành phần acid amin cấu trúc khoa học giống kháng sinh, giúp giảm viêm, chống vi khuẩn.
TS.BS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Bên cạnh thực phẩm giàu đạm, còn lưu ý đến thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng như chất béo có lợi cho sức khỏe: dầu oliu, dầu đậu nành, bơ lạc, bơ đậu phộng. Ngoài ra, mật ong giúp tăng sức đề kháng, sát khuẩn, rất tốt. Phô mai, sữa tốt cho trẻ. Cũng để đảm bảo chất dinh dưỡng nên ăn thông thường rau và trái cây tươi, trái cây màu vàng đỏ, rau màu xanh sẫm giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng.
Nên uống nước giúp giảm dịch nhầy, làm sạch dịch nhầy đường hô hấp, giảm dịch tiết phế quản. Nên bổ sung thành phần do ho mà trẻ thiếu; chẳng hạn như khi ho thường đi kèm với vitamin D huyết thanh giảm. Vì vậy, nên bổ sung thêm vitamin D trong giai đoạn đó, có thể kèm theo omega 3, acid béo chưa no (dưới dạng thực phẩm bổ sung, thuốc, ....). Nếu phải dùng thuốc điều trị làm giảm hấp thụ canxi thì nên bổ sung thêm canxi, khoáng chất đi kèm để tránh loãng xương.