Nhà trường không thể chối bỏ trách nhiệm
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đây là câu chuyện rất đau buồn, đặc biệt khi xảy ra vào thời điểm cuối tháng Năm khi trẻ em trên cả nước đang hướng đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) và Tháng hành động vì trẻ em. Bà Nga cho hay, dường như khi xuống xe, giáo viên không kiểm đếm lại số lượng học sinh, lái xe không kiểm tra lại, ngay cả giáo viên phụ trách lớp cũng không có động thái kiểm tra sĩ số.
"Cháu bé tử vong trên xe đưa đón học sinh, do đó, không thể chối bỏ trách nhiệm của nhà trường được", ĐBQH Việt Nga nói và nhấn mạnh, không phải lần đầu tiên sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra.
Sự việc đau lòng này cũng liên tưởng tới những vụ tai nạn lao động đã xảy ra trong những tháng đầu năm 2024, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nói: "Tưởng như không có gì liên quan đến nhau, nhưng thực ra tai nạn lao động thảm khốc xảy ra trong thời gian qua đều chung một nguyên nhân chính, đó là do ý thức của con người. Vì vậy, trong tất cả các công việc, tôi cho rằng cần phải đặt yếu tố cẩn thận và trách nhiệm lên hàng đầu".
Riêng đối với xe đưa đón học sinh, bà Việt Nga cho biết, dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn Giao thông đường bộ sẽ được thảo luận và cho ý kiến trong thời gian tới đây cũng có những mục quy định riêng. Bên cạnh các quy định về hạ tầng vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật của xe đưa đón học sinh thì các cơ sở giáo dục cần rà soát lại quy trình.
Nữ đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: "Ở góc độ Quốc hội, tôi nghĩ rằng, tùy tình hình địa phương, các đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố có thể tổ chức giám sát chuyên đề về vấn đề này. Thí dụ, những địa phương, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... nhu cầu sử dụng xe đưa đón học sinh là rất lớn thì có thể tổ chức giám sát".
Bên cạnh đó, bà Việt Nga cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT phải nhanh chóng có những chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm an toàn cho học sinh.
Rà soát, chuẩn hóa quy định về xe đưa đón học sinh
Cùng quan điểm với đại biểu Việt Nga, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế lưu ý thêm trách nhiệm của cha mẹ học sinh. Đồng thời bà Sửu cho rằng: "Rõ ràng sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường chưa được thông suốt, thường xuyên, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số".
Từ sự việc đau lòng trên, nữ đại biểu tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, cần phải rà soát lại các quy định pháp luật về việc tổ chức các trường mầm non, kể cả công lập lẫn tư thục.
Đại biểu nói: "Tôi thấy hành lang pháp lý của giáo dục nói chung đã khá nhiều và toàn diện. Tuy nhiên, công tác phối kết hợp để thực thi thì chưa tốt. Đây mới là vấn đề cần được quan tâm, chứ không phải cứ đến khi sự cố xảy ra chúng ta mới can thiệp. Tôi đề nghị cơ quan chức năng liên quan đến giáo dục mầm non cần phải rà soát, có chế định mới, quy định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc trẻ bậc mầm non".
Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý, cần phải rà soát, chuẩn hóa quy định về xe đưa đón học sinh. Bà Sửu gợi ý, đối với xe này cần thiết kế sao cho người bên ngoài có thể quan sát bên trong, đề phòng sự cố không mong muốn xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Sửu nêu quan điểm: "Xe ô tô đóng kín, được thiết kế như ngôi nhà di động có dán kính đen nên tầm quan sát từ ngoài rất khó. Tại sao chúng ta không thiết kế xe chở trẻ mầm non có thể nghe được âm thanh, nhìn được hình ảnh để bảo đảm an toàn cho trẻ".