Từ vụ thảm sát 4 người chết tại Hà Giang: Quản lý người tâm thần - Khó hay dễ?

04-12-2016 15:55 | Pháp luật
google news

SKĐS - Liên quan đến thảm án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 1/12 khiến 4 người chết, 1 người bị thương xảy ra tại thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang)

Liên quan đến thảm án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 1/12 khiến 4 người chết, 1 người bị thương xảy ra tại thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) cho thấy những hậu quả đau lòng về sự lỏng lẻo trong quản lý người tâm thần ở địa phương. Đây cũng là vấn đề mà dư luận rất quan tâm là làm thế nào để quản lý chặt chẽ người tâm thần tại cộng đồng hiện nay?

Án mạng xảy ra - khó quy trách nhiệm cụ thể

Liên quan đến vụ án trên, Công an tỉnh Hà Giang đã bắt giữ Phù Minh Tuấn (SN 1984), trú tại thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình). Nghi phạm đã sát hại bố ruột và 3 người thân trong gia đình. Đáng chú ý, nghi phạm Tuấn có tiền sử mắc bệnh tâm thần nặng. Cuối năm 2014, Tuấn đã ra tay giết chính con ruột của mình. Sau đó, cơ quan chức năng đã đưa Tuấn đi điều trị bắt buộc tại BV Tâm thần Trung ương (Hà Nội). Ngày 7/7, sau thời gian điều trị, Tuấn được cho xuất viện về địa phương và tiếp tục gây ra án mạng. Dư luận không khỏi rùng mình lo lắng khi công tác quản lý người có dấu hiệu tâm thần còn quá lơi lỏng.

Từ vụ thảm sát 4 người chết tại Hà GiangĐối tượng Phù Minh Tuấn có tiền sử bệnh tâm thần nặng.

Thực tế trong thời gian qua, trên địa bàn một số tỉnh, nhiều vụ án mạng đã xảy ra, không ít người bỗng mất mạng chỉ vì đối tượng thực hiện hành vi đang mắc bệnh tâm thần. Điểm lại các vụ việc thấy rằng, một điểm chung là người gây án ít nhiều có rối loạn về mặt tâm lý, tâm thần. Họ sống tự do trong lòng xã hội, giữa gia đình mà không ai quản lý. Dư luận cho rằng, do chưa có quy định, chế tài bắt buộc người bị tâm thần đi chữa bệnh khi chưa gây án nên nhiều vụ án dù nghiêm trọng nhưng khó xử lý.

Một thực tế diễn ra, khó khăn nhất đối với người bị tâm thần chính là sự bỏ mặc không chỉ của xã hội mà của cả gia đình. Nhiều bệnh nhân được đưa đến BV rồi bỏ mặc, không ai quan tâm; đến khi điều trị đỡ bệnh thì không có người thân đến nhận... Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng khổ sở với việc chăm sóc điều trị người tâm thần. Đối với các bệnh nhân này thì việc chăm sóc và điều trị rất phức tạp do họ hung hãn, không hợp tác… Không ít lần bệnh nhân gây thương tích cho cán bộ y tế. Đưa ra ngoài xã hội thì các bệnh nhân này gây nguy hiểm cho cộng đồng, ở BV thì phá phách, đánh cán bộ y tế nên điều trị cho các đối tượng này rất vất vả và nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy vậy, ngành y tế thời gian qua luôn sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để điều trị những trường hợp bị bệnh tâm thần lang thang cơ nhỡ. Điều quan trọng là tổ chức nào đứng ra tập hợp những người này lại để đưa đi chữa trị? Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, các Trung tâm bảo trợ trẻ em, người lang thang cơ nhỡ và nhất là sự quản lý của chính quyền địa phương có người tâm thần sinh sống.

Thiếu chế tài?

Đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi họ chưa phạm tội. Theo luật sư Phạm Huy Tuyến (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải dựa trên sự tự nguyện của gia đình. Nó còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh tâm thần. Điều này khiến nhiều người hết sức lo lắng về việc quản lý người bị bệnh tâm thần trong xã hội, đặc biệt sau các vụ trọng án gần đây, Luật sư Tuyến chia sẻ.

Theo BS. La Đức Cương - Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I cho biết: Với khoảng 80% bệnh nhân tâm thần mạn tính được quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng thì vẫn có tới 50% hay tái phát, 25-30% thỉnh thoảng tái phát. Theo nghiên cứu, người mắc bệnh tâm thần có khả năng gây án, phạm tội cao gấp 6 - 7 lần người thường. Bệnh tâm thần có nhiều dạng, nhiều nhóm bệnh, nhưng 3 loại dễ gây án giết người nhất là người bị tâm thần phân liệt (chiếm khoảng 0,3-0,5% bệnh nhân tâm thần), hoang tưởng và trầm cảm. Vì vậy, theo BS. Cương, các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh thì cần sớm đưa người bệnh đi khám, điều trị. Càng sớm điều trị, người bệnh càng chóng ổn định và tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn càng cao, tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Việc quản lý điều trị người bệnh tâm thần tại cộng cồng được tổ chức và điều hành rất tốt trong vài thập kỷ gần đây. Song, trên thực tế, số bệnh nhân được quản lý điều trị chỉ mới có một phần và chủ yếu là chỉ quản lý những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt. Còn phần lớn người bệnh vẫn đang ở thể tự do ngoài xã hội. Nguyên nhân chính là do định kiến của xã hội về căn bệnh này còn nặng nề, chính vì thế những gia đình có người mắc bệnh tâm thần thường giấu giếm tình trạng bệnh của con em mình, không đưa đi bệnh viện khám điều trị hoặc điều trị không đến nơi đến chốn. Người bệnh không được quan tâm chăm sóc và có một cơ chế giám sát, theo dõi tiến trình diễn tiến bệnh tật để có phương án điều trị kịp thời, hợp lý, đạt hiệu quả tốt, tránh cho bệnh nhân phát bệnh nặng hoặc tái phát bệnh gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.


Mai Thạch
Ý kiến của bạn