Đường 2 làn không đạt đúng chuẩn cao tốc
Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế sáng ngày 18/2 đã lấy đi sinh mạng của 3 người là mẹ con. Do vượt ẩu nên xe BS: 36A- 485.67 va chạm với ôtô BS: 63H- 005.68 do anh Lâm Văn Tâm (SN 1982, ngụ khóm Mỹ Thành, P.Vĩnh Mỹ, TX.Châu Đốc, An Giang) điều khiển theo hướng Quảng Trị - Đà Nẵng. Sau va chạm, xe ô tô con bẹp dúm lao xuống vực bên phải.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, trên nhiều diễn đàn xuất hiện các ý kiến tranh luận về đường cao tốc chỉ có 2 làn. TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho biết, nhiều đường cao tốc ở nước ta, trong đó không ít đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã phải đầu tư xây dựng không đạt đúng chuẩn cao tốc, cụ thể là chỉ xây được 2 làn. Việc những đường cao tốc chỉ xây dựng 2 làn, không có làn dừng khẩn cấp không chỉ không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để các phương tiện lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Cũng chính bởi hạ tầng đường cao tốc còn bất cập như đường quá hẹp, không có làn khẩn cấp… nên hàng loạt đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam mới được đưa vào khai thác bị giới hạn tốc độ, chỉ được chạy tối đa 80km/h khiến chủ phương tiện cảm thấy ngao ngán và cho rằng, quy định tốc độ này chưa tương xứng với đường cao tốc. Trong khi với xe ô tô, tốc độ trung bình theo thiết kế bây giờ là 100 - 120 km/h. Vì thế cao tốc để giới hạn tốc độ 120 km/h mới là hợp lý. Để thấp hơn, 80 - 90 km/h thì không thể gọi là cao tốc.
Việc hàng loạt tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã bộc lộ bất cập như xuống cấp, hằn lún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm khắc phục, sửa chữa… là vấn đề quan trọng cần được giải quyết, khắc phục, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Đường cao tốc làm đến đâu phải hoàn thiện đến đấy
"Với nước ta, các tuyến đường cao tốc chỉ nên làm 1 giai đoạn, ưu tiên trước cho các tuyến xương sống quốc gia, liên vùng. Nếu chúng ta làm 2 giai đoạn thì khi thi công giai đoạn 2 sẽ lại gây khó khăn ngay cho sự lưu thông xe cộ trên đoạn cao tốc giai đoạn 1, lãng phí 2 lần huy động nhân lực thi công, giải tỏa mặt bằng… Nhất là với tuyến cao tốc Bắc-Nam là trục giao thông xương sống thì phải làm đồng bộ ngay. Làm cho tương lai, có nghĩa là số làn đường, tốc độ chạy xe, làn dừng khẩn cấp phải theo những chuẩn quốc tế, làm đến đâu hoàn thiện đến đó. Như vậy mới phát huy được hiệu quả", TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Trưởng bộ môn Đường bộ, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng đường cao tốc khi đưa vào khai thác khoảng 5- 10 năm mà đã phải đặt vấn đề nâng cấp, mở rộng thêm làn xe là một thiếu sót của cả tư vấn và người quyết định đầu tư. Nâng cấp đường cao tốc mở rộng thêm làn xe đường cao tốc là một việc cực kỳ khó khăn và tốn kém chứ không phải là đơn giản.
Cho nên những quốc gia phát triển, khi phát triển đường cao tốc, người ta luôn tính lưu lượng xe khoảng 25 năm sau. Lưu lượng xe chạy trên đường cao tốc không chỉ phụ thuộc vào đường cao tốc này mà phụ thuộc vào cả mạng lưới đường, trong đó có mạng lưới đường cao tốc và mạng lưới đường ô tô thông thường.
Thông thường, người ta phát triển dần, người ta tăng số lượng đường chứ không mấy khi tăng số làn xe trên một tuyến đường cao tốc. Ví dụ như nếu người ta thấy đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng quá tải thì người ta sẽ làm một con đường cao tốc khác, song song, hãn hữu người ta làm thêm làn xe.
Ở Việt Nam, chúng ta phát triển đường cao tốc, vốn của chúng ta không nhiều, rất có hạn, trong khi nhiệm vụ làm đường cao tốc nhiều. Bên cạnh đó là sự phát triển nóng của nền kinh tế, khó ai có thể đoán được trong một số năm lưu lượng xe chạy có thể tăng 10-20%. Ít quốc gia trên thế giới có lượng xe chạy trên đường cao tốc tăng như vậy, cho nên bản thân tư vấn nếu không phải là từ một số quốc gia phát triển thì rất khó hình dung và đưa ra dự báo.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để hiện thực hóa mục tiêu 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng. Thời gian qua, nguồn lực Nhà nước dành cho đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc ngày càng gia tăng. Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được giao số vốn lớn nhất từ trước tới nay (trên 95.000 tỷ đồng) để triển khai thực hiện các dự án, trong đó có các tuyến cao tốc
Lý giải một số tuyến cao tốc được thiết kế hai làn hoặc bốn làn hạn chế, không khác với quốc lộ, tỉnh lộ, đại diện Bộ Giao thông Vận tải từng cho biết theo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000 km đường cao tốc và cần nguồn vốn 813.000 tỷ đồng. Thực tế, giai đoạn 2010-2020 ngân sách mới bố trí 395.000 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thêm khoảng 178.000 tỷ đồng. Do ngân sách hạn chế, một số dự án cao tốc đã và đang được phân kỳ đầu tư, đến giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch..
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết sáng 18/2: Miền Bắc bùng nắng nóng trước khi đón đợt rét đậm mới | SKĐS