Làm thế nào đừng để con gái trở thành nạn nhân tiếp theo là điều rất nhiều gia đình đang quan tâm sau những sự việc đau lòng này?
Nỗi đau sau khi bị hiếp dâm
Vụ việc một nữ sinh lớp 9 ở Sơn La bị xâm hại xảy ra tại địa bàn xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai đang gây rung động dư luận. Hiện nay công an đã tạm giữ 6 đối tượng liên quan để phục vụ điều tra về hành vi hiếp dâm tập thể nữ sinh này. Xác định sơ bộ cho thấy nhóm đối tượng và bị hại có quan hệ quen biết. Trước khi xảy ra vụ việc 2 bên đã uống rượu với nhau. Thông tin ban đầu, vụ việc đã diễn ra từ tháng 3/2022, gần đây khi xuất hiện clip trên mạng phía gia đình nạn nhân mới biết và làm đơn tố cáo.
Sự việc hiện đang được cơ quan chức năng điều tra, tuy nhiên thông tin cũng khiến nhiều cha mẹ có con gái lo lắng hơn bởi nỗi đau sau khi bị xâm hại là rất lớn.
Theo nhận định của bà Ninh Thị Hồng - Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trẻ em bị xâm hại nói chung, xâm hại tình dục nói riêng sẽ bị tổn thương nặng nề về tâm lý cũng như thể chất trong suốt cuộc đời sau này. Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội.
Hành vi xâm hại có thể khiến cho nạn nhân rơi vào trạng thái sợ hãi cùng cực, rối loạn tâm thần khi bị gợi lại những chuyện xâm hại ám ảnh trước đó. Nạn nhân sẽ xuất hiện tâm lý hổ thẹn, mất niềm tin vào mọi người xung quanh, kể cả bố mẹ và bạn bè thân thiết, tìm cách để xa lánh mọi người, bỏ bê học hành…
Như trường hợp bé gái L.T.T, SN 2003 ở Đà Nẵng không may trở thành nạn nhân của một vụ hiếp dâm tập thể bởi chính cha ruột làm chủ mưu. Nhưng vì còn nhỏ T không nhận thức được hành vi đồi bại, chỉ âm thầm chịu đựng đau đớn thể xác suốt thời gian dài. Sau khi nhận thức được, T đã rơi vào hội chứng rối loạn thích ứng trầm cảm.
Đừng để con gái trở thành nạn nhân tiếp theo
Làm thế nào đừng để con gái trở thành nạn nhân tiếp theo là điều rất nhiều gia đình đang quan tâm sau những sự việc đau lòng này?. Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Hồng Hương – Thường trực Thư viện Lưu trú (Hội Bảo vệ quyền trẻ em) cho rằng, nhiều người phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của nạn hiếp dâm có tâm lý nhẹ dạ, cả tin nên dễ bị lợi dụng. Không ít trường hợp thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu kiến thức về bảo vệ bản thân nên dễ dàng bị dụ dỗ.
Để phòng tránh trẻ bị xâm hại gia đình vẫn là quan trọng nhất. Cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư của con nhưng vẫn cần quan sát thường xuyên con mình để kịp thời nhận biết những dấu hiệu khác thường trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn khi thấy con chơi với nhiều bạn trai, đi về không đúng giờ, chăm chút ngoại hình, trong câu chuyện của con hay nói về quan hệ bạn trai bạn gái… Khi đó, cha mẹ cần trò chuyện cùng con, quan tâm con nhiều hơn.
Nhiều vụ hiếp dâm đau lòng xảy ra khi tìm hiểu mới biết nạn nhân tự đưa mình vào hoàn cảnh dễ làm phát sinh tội phạm như ăn mặc khêu gợi, sử dụng các chất kích thích, rượu bia say dẫn đến mất kiểm soát bản thân hoặc bị người mình tin tưởng cho dùng thuốc kích dục mà không biết... Bởi vậy, trong mối quan hệ nhất là với người khác giới đừng nên đặt niềm tin thái qua và luôn phải cảnh giác khi ở những nơi riêng tư…
Từ cấp 2, trẻ sẽ hình thành rõ nét về giới và có rung cảm mạnh về vấn đề giới tính. Trẻ chơi với bạn bè thế nào, cha mẹ cần dành quan tâm nhiều hơn, thậm chí là bố mẹ theo dõi "ngầm" con. Đồng thời cần xem môi trường không gian mạng của con. Cha mẹ có thể giáo dục con qua những trò chuyện hoặc nêu tấm gương vào những thời điểm thích hợp. Khi trẻ mà có thắc mắc thì không bao giờ được lờ đi câu hỏi của trẻ, đặc biệt là những câu hỏi liên quan về giới và giới tính. Cha mẹ phải coi đây là cơ hội để có thể hiểu, giáo dục tốt nhất cho con mình. Lúc này trẻ chủ động học hỏi, cha mẹ có thể giải thích cho con cả vấn đề về giới, giới tính.
"Điều quan trọng nữa là cha mẹ cần phải dành thời gian không chỉ giải thích cho con theo hướng của giới tính hay sức khỏe sinh sản mà cha mẹ cần tìm hiểu kiến thức về giới để giải thích cho con. Chẳng hạn nói với con không quan hệ tình dục trước tuổi nếu cha mẹ chỉ lấy lý do giữ trinh tiết thì bây giờ giới trẻ sẽ không phục mà cho rằng đó là cổ hủ" – chuyên gia tâm lý Hồng Hương nhấn mạnh.
Không chỉ ở phía gia đình mà chuyên gia cho rằng ngay cả nhà trường cũng cần phải tăng cường giáo dục về giới. Các trường nên đưa giáo dục về các vấn đề thuộc giới thành một bộ môn hoặc thường xuyên tổ chức những workshop về vấn đề giới để cho các em học sinh hiểu. Việc làm này vừa làm bùng lên khát vọng, lý tưởng tuổi trẻ, hoài bão cống hiến, mà lại giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu tương tác với bạn bè – nhu cầu tối thượng của độ tuổi Trung học cơ sở.
Xem thêm video đang được quan tâm:
WHO nỗ lực thống kê tổng số ca tử vong thực tế vì COVID-19 trên thế giới