Từ vụ nữ sinh 14 tuổi viêm cơ tim nguy kịch, cần phát hiện sớm những dấu hiệu tố bệnh

01-04-2019 14:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố HCM vừa tiếp nhận một nữ sinh 14 tuổi bị viêm cơ tim cấp nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Đang khoẻ đột ngột viêm cơ tim

Bệnh nhân là em T. T. N. D., 14 tuổi, ngụ Đức Hòa, Long An. Em nhập viện tại Bệnh viện Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố trong tình trạng tim đập nhanh kịch phát, tim đờ dần, huyết áp quá thấp.

Anh Trần Minh Dũng, ba bé kể rằng, triệu chứng ban đầu của D. gặp phải giống như cảm cúm. Lúc đầu chỉ sốt cao, đau nhức toàn thân, mệt mỏi, chóng mặt, tê tay chân nên có mua thuốc ở nhà thuốc tây gần nhà uống, nhưng tình trạng cứ nặng thêm và kèm theo khó thở tăng dần vào ngày thứ 4 của bệnh. “Do hoàn cảnh gà trống nuôi con, làm công nhân với đồng lương ít ỏi nên từ lúc cháu D. nhập viện khiến cả gia đình sốc nặng” , Anh Dũng nói trong tình trạng nước mắt lưng tròng.

Theo BSCK1. Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố cho biết, khi Bệnh viện địa phương chuyển em D đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố thì tình trạng của em  càng trở nặng, huyết áp tụt, nhịp tim đập nhanh loạn xạ và kém đáp ứng với thuốc chống loạn nhịp, máy tạo nhịp khẩn cấp và cả... sốc điện.

Các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu sốc điện, đặt máy tạo nhịp và nhanh chóng thiết lập hệ thống Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho em. “Bệnh viện phải huy động êkip toàn viện hơn 50 nhân sự để cấp cứu liên tục những cơn nhịp nhanh kịch phát, đặt máy tạo nhịp, thiết lập đường truyền để chạy tim phổi nhân tạo tích cực nhằm cứu tính mạng cho bé.” BS Vũ nói.

Những dấu hiệu "tố" nguy cơ viêm cơ tim

Theo các bác sĩ, viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, nguyên nhân hàng đầu là do enterovirus, kế đến là echovirus, adenovirus, herpes simplex, quai bị, sởi, rubella...

Bé hiện đang rất nặng, tuy nhiên các bác sĩ cho biết chỉ cần chạy máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) 5-7 ngày thì cô bé ấy sẽ có cơ hội sống sót.                                                               Ảnh BVCC


Khi vào cơ thể, siêu vi làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch khiến tim giãn to. Bệnh viêm cơ tim thường xảy ra ở trẻ 2-10 tuổi.

Trẻ dưới 24 tháng mắc bệnh thường nặng do đề kháng còn yếu. Một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ sẽ tự khỏi. Vài bé không có triệu chứng trước đó nhưng bệnh lại diễn tiến rất nhanh, nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu sống thì về sau dễ bị suy tim hoặc rối loạn nhịp.

Vì vậy, khi cha mẹ thấy các dấu hiệu sau đây cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị:

- Đối với trẻ lớn: có triệu chứng hô hấp trước đó như sốt, ho, sổ mũi, khò khè, hoặc triệu chứng về tiêu hoá như ói, tiêu chảy...

- Đối với trẻ nhỏ:  khi chỉ quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém, ngủ li bì khó đánh thức, hay rên rỉ..

Đặc biệt nếu thấy trẻ có các biểu hiện như tím môi, da tái, tay chân lạnh, thở mệt, mạch nhẹ hoặc không bắt được phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Chia sẻ về bệnh nhân D. Các bác sĩ cho rằng, tình trạng bệnh nhi lúc tiếp nhận rất nguy kịch, tình trạng tim liên tục rối loạn nhịp đập, tím tái, huyết áp xuống rất thấp. Bác sĩ đã đồng thời tiến hành nhiều biện pháp để cứu bệnh nhân. Vì bệnh nhân phải đặt máy thay thế chức năng tim phôi ngoài cơ thể nên chi phí rất cao. Ngoài máy hỗ trợ này mỗi ngày điều trị tiền máy móc thuốc men và vật tư cũng lên đến hơn chục triệu đồng.

Tuy nhiên, chỉ cần chạy máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) 5 đến 7 ngày thì cô bé ấy sẽ có cơ hội sống sót. Song song nỗ lực cứu bệnh từ các y bác sĩ, mong các mạnh thường quân và nhà hảo tâm mở rộng vòng tay hỗ trợ cho gia đình em.

Bệnh viêm cơ tim ở trẻ nhỏ dễ bị nhầm với cảm sốt

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) từng tiếp nhận nhiều trẻ trong tình trạng suy hô hấp nặng, ngủ li bì, nhịp tim rất nhanh, toàn thân tím tái, thở yếu... Thậm chí có trẻ đến viện đã bị trụy mạch, rối loạn nhịp tim, sốc tim và tiên lượng tử vong sau vài giờ. Kết quả thăm khám, chụp X-quang ngực và siêu âm tim cho thấy các trẻ này mắc bệnh viêm cơ tim.

Bệnh viêm cơ tim khó phát hiện khi các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt. Hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong.

Để phòng bệnh theo các bác sĩ, cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn đã mắc những bệnh liên quan đến các siêu vi. Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ vitamin và khoáng chất. Chủng ngừa các bệnh bạch hầu, cúm, rubella, quai bị... cho trẻ để tăng khả năng kháng bệnh. Trẻ ở tuổi đi học, tập thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Viêm cơ tim là bệnh nguy hiểm, nguy cơ cao tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.


Khánh Mai
Ý kiến của bạn