Hà Nội

Từ vụ nhà ngoại cảm rởm bị bắt: Nỗi đau từ sự mê muội

30-10-2013 09:25 | Thời sự
google news

Vụ việc nhà ngoại cảm rởm Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”) bị bắt giữ đã làm nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ bàng hoàng. Họ đã quá đặt niềm tin với “cậu Thủy” và nhiều nhà ngoại cảm khác.

Vụ việc nhà ngoại cảm rởm Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”) bị bắt giữ đã làm nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ bàng hoàng. Họ đã quá đặt niềm tin với “cậu Thủy” và nhiều nhà ngoại cảm khác.

Chi rất nhiều khoản… “trên trời”

“Không có 150 triệu đồng thì đừng tìm đến thầy Thủy”- đó là lời kể của bà Vũ Thị L (thị trấn Trới, Hoành Bồ, Quảng Ninh) khi được người thân chỉ dẫn ra gặp “cậu Thủy”. Theo bà L, gia đình bà có 3 người chầu chực ở nhà “cậu Thủy” 2-3 ngày mới được gặp. “Khi gặp, ông ta nói để lại tên liệt sĩ để ông ta gọi âm binh, hỏi Mẫu chỉ dẫn tới gặp hồn liệt sĩ. Số tiền để ông ta làm việc này là 100 triệu đồng, nhưng ông ta không nhận ngay mà nói khi nào tìm thấy mộ thì hậu tạ”.

Một khu đất được đào lên tìm hài cốt liệt sĩ theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm tại Thừa Thiên - Huế.

Sau khoảng 1 tháng, gia đình liên lạc lại thì ông Thủy đưa cho một sơ đồ đi tìm hài cốt liệt sĩ ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Ông ta cho thuê ô tô, thuê lái xe một ngày đã 3 triệu đồng, phải đốt nhiều quần áo giấy, làm nhiều thủ tục “trục” âm binh khỏi hồn liệt sĩ thì mới bốc hài cốt về được. “Tổng cộng chuyến đi này gia đình tôi tốn thêm 60 triệu đồng nữa. Ông ta còn nói gia đình tôi may mắn vì đi tìm được ngay. Giờ biết tin ông ta bị bắt, gia đình tôi rất hoang mang”.

Khi được hỏi vì sao không làm giám định ADN hài cốt, bà L cho biết: “Khi đào lên, ông ta nói liệt sĩ nhà tôi chôn chung với 5 liệt sĩ khác, có làm giám định ADN cũng không thể biết được, chỉ cần tin thôi”- bà L nói.

Người nhà của liệt sĩ Nguyễn Văn Kháng (xã Hoằng Xuân, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng đang tiến hành tìm mộ của liệt sĩ này tại Thừa Thiên -Huế. Vì mong muốn tìm được người thân, đầu tháng 7.2012, thân nhân liệt sĩ Kháng đã đến Trung tâm Tâm linh Anh Hồng (thôn Thọ Cầu, Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) để nhờ giúp đỡ. “Anh Hồng” ở đây là một phụ nữ, yêu cầu người nhà ngồi áp vong, nhưng ngồi gần 1 tháng vẫn không có “vong nhập”, đành để lại địa chỉ để liên lạc sau.

Còn nhiều người mê muội

Đó là trường hợp ông Nguyễn Huy Hai - em ruột của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhắc (quê Nho Quan, Ninh Bình). Ông Hai cho biết, anh trai ông hy sinh tại chiến trường Quảng Nam. Sau nhiều năm tìm các nguồn tin từ đồng đội bất thành, năm 2010 ông nghe lời giới thiệu của một người bạn tìm gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Nghĩa (Long Thành, Bà Rịa - Vùng Tàu). “Sau 2 năm đi theo cô Nghĩa, gia đình tôi được cô định vị, chỉ đích danh ngôi mộ có hài cốt của anh tôi. Nhưng kết quả sau giám định không khớp” – ông Hai cho biết.

Ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chuyện tìm mộ liệt sĩ qua con đường ngoại cảm ở Huế thực sự rộ lên từ năm 2009. Những nhà ngoại cảm đến đây tìm mộ phần lớn là người ngoại tỉnh, chủ yếu là từ Nghệ An và Hà Nam. “Có lần, người nhà liệt sĩ đi tìm mộ ở huyện A Lưới, một nhà ngoại cảm bảo anh liệt sĩ này hy sinh vì bị trúng bom, người đã tan thành nhiều mảnh và văng đi khắp nơi rồi. Thế mà ông ta vẫn đến chỉ phần mộ của liệt sĩ còn nguyên vẹn. Kết quả vậy mà người nhà vẫn tin, tốn công, tốn của đi tìm”- ông Dần kể.

Ông Nguyễn Duy Kiên - Trưởng phòng Chính sách, Cục Người có công (Bộ LĐTBXH): Cần có chế tài với các nhà ngoại cảm

Từ năm 2011, Cục đã có văn bản yêu cầu không công nhận các hài cốt liệt sĩ tìm bằng ngoại cảm. Hiện Cục cũng đang tham vấn cho các cơ quan xây dựng pháp luật ban hành các chế tài xử lý vấn đề này. Theo đó, thời gian tới cần phải có chế tài cụ thể, phân định rõ nếu anh là nhà ngoại cảm, anh phát hiện mộ nhưng mộ chỉ có đất đá thì xử lý thế nào? Còn nếu phát hiện hài cốt nhưng giám định không phải là hài cốt liệt sĩ thì xử lý thế nào? Đồng thời, cũng cần quy định trách nhiệm của các địa phương trong việc quản lý các trung tâm ngoại cảm, nhà ngoại cảm.

Minh Nguyệt (ghi)


Theo Dân Việt


Ý kiến của bạn