Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Việt Hùng (SN 1988, trú tại Thanh Châu A, TP Phủ Lý, Hà Nam) về tội giết người, cướp tài sản.
Hùng là nghi phạm sát hại người phụ nữ rồi đem xác bỏ trong ô tô giấu ở hầm chung cư ở Long Biên vì lý do nợ nần. Sau khi gây án, Hùng lấy 16 triệu đồng của nạn nhân đi chơi điện tử.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) phân tích, hành vi của đối tượng vô cùng tàn nhẫn khi tước đoạt mạng sống của nạn nhân.
Nếu kết quả điều tra cho thấy rằng, đối tượng giết nạn nhân do mâu thuẫn thì theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Điều 123 quy định người nào giết người thuộc trường hợp có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Về hành vi cướp tài sản, số tiền chiếm đoạt được là 16 triệu đồng, tuy nhiên, Điều 168 Bộ luật Hình sự cũng đã quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự dẫn đến chết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 18-20 năm hoặc tù chung thân.
Về hành vi nghiện game của nghi phạm, luật sư Nghĩa cho biết: Thực tế đây không phải là lần đầu xuất hiện vụ án liên quan đến nghi phạm nghiện game, đặc biệt là game bạo lực. Một vụ án đau lòng khác xảy ra tại trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa khiến một học sinh lớp 5 tử vong. Kẻ gây án là Đỗ Mãnh Chiểu Minh - một thanh niên nghiện game, ít tiếp xúc với mọi người xung quanh, thường có nhiều biểu hiện tâm lý hoang tưởng.
Nam thanh niên 17 tuổi, cũng là hàng xóm của nạn nhân đã giấu bé trai 5 tuổi là do làm theo một tình huống trong game online, bắt chước, bắt nhốt cháu bé ở bìa rừng để chơi trò thám tử, dẫn đến bé tử vông do đói khát...
Theo luật sư, chứng nghiện game online được bổ sung vào danh sách các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. WHO thông báo rối loạn chơi game bao gồm: Các triệu chứng như tình trạng mất kiểm soát hành vi, ưu tiên chơi game hơn tất cả các hoạt động khác, dành thời gian chơi game bất chấp các hậu quả tiêu cực.
Nghiện game gây ra nhiều hệ lụy xấu bởi các trò chơi gây nghiện thường phải nạp tiền thật để chơi. Người nghiện game không dành thời gian cho lao động, học tập, làm việc nên không có thu nhập. Để có tiền chơi game, một số người sẽ tìm cách bất hợp pháp, vi phạm pháp luật như: trộm cắp, cướp giật tài sản, tước đoạt tính mạng của người khác… chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân.
"Kẻ thì mê muội theo nội dung game mà gây ra tội ác. Kẻ thì để có tiền chơi game phải đi trộm cắp, thậm chí cướp bóc, giết người… dẫn đến sự băng hoại đạo đức, lương tâm. Hành vi của các đối tượng nghiện game nhiều khi bột phát khó lường, chính vì thế khiến những người xung quanh cũng rất khó đề phòng, né tránh các bất trắc. Chính những hành vi này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự xã hội", luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.
Cũng theo luật sư, việc nghiện game không chỉ ảnh hưởng tới xã hội, chính bản thân người nghiện game cũng rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật, mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật, nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực.
Do đó, gia đình, bạn bè khi nhận thấy người thân, bạn bè của mình có hành vi nghiện game như vậy, cần hết sức khuyên giải để người đó nhận thấy tác hại nghiêm trọng của việc nghiện game.
Để ngăn chặn xu hướng nghiện game tăng cao trong giới trẻ, cần có sự chung tay của gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục và cả những biện pháp chế tài phù hợp.