Vừa qua, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân từ tuyến dưới là ông T.V.B. (SN 1965, ngụ tỉnh Bạc Liêu) trong tình trạng nhiễm trùng nặng, sốt cao, lạnh run, đau nhiều thượng vị và hạ sườn phải.
Kết quả kiểm tra chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang ghi nhận vị trí cạnh dưới gan trái, cạnh trên dạ dày, bờ trên tụy có một nang kích thước #109x72mm thành dày, bên trong chứa dịch đậm độ cao, chèn ép vào dạ dày, ống mật chủ dãn 17mm đoạn cuối có sỏi đường kính #13mm.
Các bác sĩ tiến hành hồi sức nội khoa tích cực đồng thời hội chẩn thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng đặt stent và dẫn lưu nang qua nội soi. Tổng trạng toàn thân bệnh nhân suy kiệt nặng, thể trạng yếu, nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu nên phương pháp này là lựa chọn tối ưu.
Sau 45 phút được các bác sĩ phẫu thuận, bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, không sốt, không còn đau bụng, tình trạng nhiễm trùng đã cải thiện rõ.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân B. bị di chứng của một chuỗi bệnh lý kéo dài xuất phát từ sỏi đường mật không được điều trị triệt để nên dẫn đến nhiễm trùng nặng, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng rất cao. Rất may, bệnh nhân đã được can thiệp kịp thời.
Dấu hiệu người bị sỏi mật cần đi khám sớm
Sỏi mật gồm có sỏi đường mật và sỏi túi mật. Các yếu tố nguy cơ dễ gây hình thành sỏi mật gồm: Nhiễm trùng đường mật, giun chui ống mật, người bị béo phì, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai, người lớn tuổi, người bị bệnh đái tháo đường hoặc bệnh nhân bị bệnh tan máu…
Điều đáng lo lắng là bệnh nhân bị sỏi mật ban đầu thường không có triệu chứng. Có một số bệnh nhân có triệu chứng đau tức ở vùng hạ sườn phải. Ngoài ra bệnh nhân có thể có cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu.
Theo các bác sĩ, sỏi mật, nhất là sỏi túi mật là bệnh lý điều trị khá đơn giản khi chưa có biến chứng. Vì vậy, khi bệnh nhân thấy đau bụng thượng vị, đau hạ sườn phải cần đi khám ngay. Không nên để có vàng da, sốt mới đi khám.
Những biến chứng có thể gặp phải khi bị sỏi mật
Người bệnh bị sỏi mật nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như: Áp xe đường mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tuỵ cấp, viêm túi mật cấp, sốt, vàng da và đau bụng tăng. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong (đặc biệt ở người cao tuổi và người có bệnh lý nền) như sốc nhiễm trùng, viêm túi mật hoại tử, viêm phúc mạc mật...
Sỏi mật khi có biến chứng sẽ điều trị phức tạp hơn, nhiều nguy cơ tai biến, thời gian nằm viện lâu, chi phí điều trị lớn. Những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý kèm theo, bị sỏi mật biến chứng sẽ làm tăng nguy cơ tử vong…
Chính vì vậy, khi phát hiện ra bệnh nên tham vấn ý kiến các bác sĩ chuyên khoa ở những cơ sở y tế có uy tín, tuân thủ chỉ định chuyên môn, không nên tự ý điều trị, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Mời bạn đọc xem video đang được nhiều người quan tâm!
Nóng: Nghệ An phong tỏa nhiều khu vực; học sinh chuyển sang học trực tuyến.