Thạc sĩ Ngô Quốc Khánh, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), chia sẻ với phóng viên nội dung trên trong 1 đề tài nghiên cứu đã được công bố của mình.
Tiềm ẩn nguy cơ ngất xỉu hàng loạt
Thạc sĩ Khánh cho biết, ô nhiễm không khí trong nhà, đặc biệt là tại các tòa cao ốc, đã được Tổ chức Y tế Thế giới báo động từ lâu. Năm 2012, trong 7 triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí trên toàn cầu, thì có 3,3 triệu ca bắt nguồn từ ô nhiễm trong nhà.
Một nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động trong 4 tòa nhà ở nội thành Hà Nội cho thấy, nồng độ CO2 trong không khí trung bình là 860ppm (nơi cao nhất là 940ppm), nồng độ Formaldehyde là 0,023 ppm (cao nhất 0,046 ppm), nồng độ ozon là 0,067ppm (cao nhất là 0,091ppm), nồng độ các chất hữu cơ dễ bay hơi là 6,33 ppm, nồng độ bụi hô hấp là 0,208 mg/m3, các chỉ tiêu sinh vật như tổng nấm là 1285Sl/m3 kk.
Việt Nam hiện chưa có tiêu chuẩn không khí trong nhà. Tuy nhiên nếu áp các chỉ số trên vào một số tiêu chuẩn của quốc tế thì thấy vượt tiêu chuẩn cho phép. Ví dụ nồng độ Formaldehyde vượt quy định của Viện Quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ (NIOSH), nồng độ bụi hô hấp vượt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn Chất lượng không khí quốc gia (NAAQS) của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (USEPA, 1987).
Phóng viên trực tiếp bước xuống tầng hầm gửi xe máy của Big C Garden đã cảm thấy không khí khá ngột ngạt và gây khó thở (ảnh chụp chiều 16/3, tại BigC Garden, Nam Từ Liêm - Hà Nội)
Báo cáo môi trường quốc gia về hiện trạng môi trường không khí ở Việt Nam (công bố 18/9/2014) cho thấy, môi trường không khí ở Việt Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó Hà Nội ô nhiễm nhất. Năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.
Không khí trong nhà ô nhiễm chứa nhiều chất độc như CO, Bezene, Formaldehyde; ozone - gây ra nhiều loại bệnh về hô hấp, ung thư. Trong trường hợp gia tăng đột biến một trong những chất độc trên sẽ gây ngộ độc cấp tính, giống như trường hợp vừa xảy ra ở Big C Garden.
Dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm
Các chất gây ô nhiễm trong nhà đều tác động xấu với sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại với sức khỏe. Nếu tiếp xúc với hóa chất này trong thời gian dài thì dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể như mũi, họng, phổi. Sự tồn tại của formaldehyde ở môi trường trong nhà (do gỗ, rèm cửa, chăn gối, drap trải giường, bọc đệm ghế, thảm..) luôn cao hơn môi trường ngoài trời. Vì vậy việc nhiễm formaldehyde đối với sức khỏe con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy.
Khí Ozone cũng làm tổn thương đường dẫn khí, gây viêm các tế bào gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm giảm chức năng phổi. Ozone cũng làm nặng hơn các bệnh về hô hấp và giảm khả năng của cơ chế chống lại vi sinh vật xâm nhập vào hệ hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn. Trong khi đó, tiếp xúc nhiều với chất benzene có thể gia tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu cũng như nhiều loại bệnh khác liên quan đến máu huyết. Chất này còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây kích thích (irritation) đường hô hấp, mắt và da.
Hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hay khuyến cáo chính thống nên việc đánh giá chất lượng môi trường không khí trong nhà vẫn đang là thách thức. Vì vậy cần nhanh chóng nghiên cứu, biên soạn tiêu chuyển, khuyến cáo về nồng độ chất ô nhiễm cho phép trong không khí trong nhà. Ngoài ra cũng nên tổ chức quan trắc, đo đạc và đánh giá chất lượng không khí trong nhà định kỳ tại các tòa cao ốc, văn phòng nhằm tránh ảnh hưởng đáng tiếc đến sức khỏe con người.
Các chuyên gia tư vấn, để hạn chế ô nhiễm trong nhà, nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa như hút bụi, giặt rèm cửa, giặt thú nhồi bông; hạn chế dùng thảm; tận dụng nhiều khí trời để lưu thông không khí; tuy nhiên, không nên mở cửa sổ nếu quanh nhà có nguồn khí thải ô nhiễm. Không hút thuốc trong nhà, không vận hành xe ô tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu trong ga-ra. Nếu đun nấu bằng than, củi, dầu lửa, nhà bếp cần có ống khói. Đồ nội thất mới hoặc các căn phòng mới sửa chữa, sơn phết lại thường có mùi dung môi phát thải vào không khí, đây là các chất rất độc hại, cần mở cửa phòng để bay bớt mùi dung môi; trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí.