PV: Dưới góc nhìn của nhà giáo dục, nhà tâm lý, bà có đánh giá thế nào trước rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ ở thời gian qua?
TS. Vũ Thu Hương: Thú thật, tôi rất bức xúc về việc này. Trẻ em Việt Nam luôn như “cái gối bông” để cha mẹ, người thân thiết trút giận dữ lên đó.
Việc đứa trẻ bị bạo hành dã man và còn được nhiều người bênh vực mà vẫn coi đó là bình thường. Lý do trẻ học kém hay hư hỗn cũng được coi là hợp lý để đứa trẻ bị bạo hành. Đứa trẻ chán ăn, ghét đồ ăn cũng là một lý do để họ đánh đập, hành hạ trẻ.
Tôi không hiểu những người phát ngôn các câu nói đó cảm giác thế nào nếu chính họ bị bạo hành bởi các lý do trên trời như vậy.
Tối 25/5, em P.T.T.D. đăng tải việc bị anh rể hành hung suốt nhiều năm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Ảnh chụp màn hình.
PV: Theo bà, việc trẻ bị bạo hành sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý sau này như thế nào?
TS. Vũ Thu Hương: Có 1 bạn trẻ đã nói với tôi thế này: Chị ơi, ngày nhỏ em bị bố mẹ đánh suốt ngày. Bây giờ em như một người điên. Dù em nói chuyện với bất kể ai, như cách em đang nói chuyện với chị đây, thì em cũng có cảm giác là họ sắp đưa tay lên tát bộp vào mặt em như cách bố mẹ em vẫn làm ngày xưa.
Bạn trẻ đó thiếu tự tin trầm trọng và có dấu hiệu trầm cảm. Bạn còn bị mất ngủ khi có ai đó to tiếng xung quanh. Nỗi lo sợ bị bạo hành gây ra dấu vết vô cùng sâu đậm khiến bạn trẻ đó khó có thể sống yên ổn dù việc bạo hành đó đã diễn ra cách đây rất nhiều năm.
Nạn nhân của bạo hành bao giờ cũng bị trầm cảm nặng vì sự sợ hãi thường trực. Các bạn ấy thường có cảm giác bất an khi ra ngoài đường, khi giao tiếp hoặc đơn giản là chỉ đứng gần ai đó.
Các bạn ấy còn sợ hãi đến mức đôi khi không dám yêu ai, không dám gần gũi ai. Có bạn lấy chồng mà chồng chưa nói gì đã hốt hoảng đưa tay lên ôm đầu (tư thế chống đỡ khi bị bạo hành).
Tỉ lệ những bạn từng bị bạo hành khi lớn lên trở thành kẻ đi bạo hành con trẻ không hề thấp. Dường như phong cách dạy con bằng roi vọt đã khiến các bạn quen với việc bạo hành người nhỏ hơn mình. Đôi khi có bạn đánh con như trút thù hận mà mình đã phải chịu đựng từ nhỏ. Bạo lực sinh bạo lực, cuộc sống khủng khiếp đó cứ nối dài mãi.
TS. Vũ Thu Hương.
PV: Lâu nay, nhiều bậc phụ huynh thường cho rằng như thế là dạy dỗ, uốn nắn trẻ em. Vậy, theo bà đâu là ranh giới cho việc xác định bạo hành và dạy dỗ?
TS. Vũ Thu Hương: Hoàn toàn không có ranh giới gì của việc bạo hành. Là một bà mẹ, cũng là một giáo viên, tôi nhận thấy hoàn toàn không cần thiết phải sử dụng bạo lực cho việc giáo dục. Các lớp học của tôi thường được tổ chức dưới hình thức luật lệ nghiêm. Trong phạm vi tuân thủ luật, tất cả các cá nhân đều được tôn trọng. Khi lớp được tổ chức như vậy, dù đó là học sinh mầm non hay đến những bậc lớn tuổi, mọi việc đều được tiến hành thuận lợi mà thậm chí không có cả những lời nói to chứ đừng nói là quát mắng hay bạo hành.
PV: Vậy theo bà, làm gì để thay đổi tư tưởng dạy con “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” còn nặng nề trong nhiều gia đình?
TS. Vũ Thu Hương: Theo tôi, việc đầu tiên chúng ta cần thiết phải làm đó là xử lý thật nghiêm các vụ việc như câu chuyện của em T.D, 15 tuổi. Những vụ việc đó sẽ gióng hồi chuông cảnh báo cho toàn thể các phụ huynh. Khi các vụ vi phạm bị xử lý nghiêm, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn.
Song song với việc đó, các lớp tập huấn cho cha mẹ cách giáo dục con cái trong nhà sẽ giúp các phụ huynh giải quyết mọi bế tắc khi dạy con. Khi đó chắc chắn bạo hành sẽ không còn đất sống.
PV: Thưa bà trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh rất khắc nghiệt trong việc dạy dỗ con cái vì cho rằng muốn con nên người thì phải dùng biện pháp cứng rắn, đôi khi họ cũng mắng chửi hay đánh đập con cái. Liệu các biện pháp đó có ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ sau này hay không?
TS. Vũ Thu Hương: Chắc chắn rồi. Cha mẹ là chốn trú ẩn cuối cùng của mỗi một con người. Nếu nơi trú ẩn cũng quá nguy hiểm, có thể bị đau đớn bất kể lúc nào thì chắc chắn các em không thể tránh khỏi những dấu ấn trầm cảm hoặc thiếu tự tin. Sự cứng rắn trong giáo dục trẻ tốt nhất nên thể hiện ở tính nhất quán trong mọi việc. Nghĩa là khi cha mẹ đã nói thì hãy thực hiện cho chuẩn và nghiêm. Đến lúc đó, mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
PV: Hiện nay ở các vụ bạo hành trẻ em, do các em chưa có đủ kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân. Vậy, theo bà việc dạy kỹ năng sống cho trẻ được thực hiện như thế nào?
TS. Vũ Thu Hương: Điều quan trọng mà chúng ta sẽ phải làm ngay lập tức đó là dạy các em kĩ năng ứng phó với bạo hành. Hiện tôi đang nghiên cứu và bắt đầu áp dụng các bài học này cho các lớp trại hè mà tôi tham gia trong hè này.
PV: Thưa bà, đối với những trẻ không may bị bạo hành, việc chăm sóc nên như thế nào?
TS. Vũ Thu Hương: Để các con có thể nhanh chóng quên đi kí ức xấu, việc chúng ta cần phải làm là tuyệt đối không nhắc lại sự việc, đưa con rời đi một địa điểm khác để con chóng quên và đặc biệt là cư xử với con hết sức bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
“Việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không có” luôn là cách giải quyết tốt nhất trong những trường hợp này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!