Từ vụ Lê Tùng Vân bị truy tố thêm tội danh: Yếu tố nào cấu thành tội loạn luân?

22-04-2024 11:30 | Pháp luật
google news

SKĐS - Các yếu tố cấu thành tội loạn luân theo Bộ luật hình sự được quy định ở nhiều điều luật khác nhau. Chính vì thế, yếu tố cấu thành tội phạm của mỗi một điều luật có hành vi loạn luân cũng rất đa dạng.

Ngày 19/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Tùng Vân (92 tuổi, ở nơi tự xưng Tịnh thất Bồng Lai, tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An), để điều tra về hành vi loạn luân.

Trước đó, qua nguồn tin tố giác có dấu hiệu tội phạm loạn luân xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai ở huyện Đức Hòa, công an đã vào cuộc điều tra. Đến nay, Công an tỉnh Long An đã có đủ chứng cứ xác định Lê Tùng Vân quan hệ loạn luân với con ruột. Vì lý do sức khỏe, bị can Lê Tùng Vân được cho tại ngoại để phục vụ điều tra.

Đây là diễn biến mới liên quan đến ông Lê Tùng Vân, người đã bị kết án phúc thẩm với hình phạt 5 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (đang được hoãn thi hành án để trị bệnh).

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Đoàn cho rằng, loạn luân là hành vi trái với luân thường đạo lý được hình thành trong xã hội. Không chỉ vậy, nó còn gây ảnh hưởng về mặt sinh học của con người, ảnh hưởng đến giống nòi cho các thế hệ về sau.

"Theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, loạn luân là hành vi của một người giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Trong đó, những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau", luật sư Đoàn thông tin.

Từ vụ Lê Tùng Vân bị truy tố thêm tội danh: Yếu tố nào cấu thành tội loạn luân?- Ảnh 1.

Bị cáo Lê Tùng Vân tại phiên xét xử về Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Ảnh: ANTĐ.

Yếu tố nào cấu thành tội loạn luân?

Cũng theo luật sư Đoàn, tội loạn luân là tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thay vì các tội khác, sẽ có quá trình xử phạt vi phạm hành chính rồi mới đến các bước nguy trọng chuyển hóa sang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các yếu tố cấu thành tội loạn luân theo Bộ luật hình sự được quy định rải rác ở rất nhiều điều luật khác nhau. Chính vì thế các yếu tố cấu thành tội phạm của mỗi một điều luật có hành vi loạn luân cũng rất đa dạng.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP quy định về một số tình tiết định khung như sau: Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột; Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi; Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế; Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức Đoàn, tùy từng trường hợp mà người có hành vi loạn luân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau:

Tội loạn luân theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Tội hiếp dâm theo Khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm;

Tội cưỡng dâm theo Khoản 2 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Khoản 2 Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Thị Hương Giang, Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cũng cho biết, theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng quy định tại chương XV "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình" của Bộ luật hình sự năm 1999, về tội loạn luân (Điều 150 BLHS) được hướng dẫn như sau:

Loạn luân là việc giao cấu giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại; giữa anh chị em cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân cần phải xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em (điểm c khoản 2 Điều 115 BLHS).

Trong trường hợp hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm (điểm e khoản 2 Điều 111 BLHS) hoặc tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 112 BLHS).

Nếu hành vi loạn luân kèm theo dấu hiệu lợi dụng quan hệ lệ thuộc khiến bên kia phải miễn cưỡng cho giao cấu, thì tùy trường hợp người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm (điểm d khoản 2 Điều 113 BLHS) hoặc tội cưỡng dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 114 BLHS). Trong mọi trường hợp hành vi loạn luân được thực hiện đối với trẻ em dưới 13 tuổi, thì người thực hiện hành vi loạn luân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (điểm a khoản 2 Điều 112 BLHS).

Xem thêm bài viết:

Loạn luân dưới góc nhìn khoa họcLoạn luân dưới góc nhìn khoa học

SKĐS - Loạn luân là điều cấm kỵ nhất đối với loài người. Nói tới loạn luân, chắc chắn nhiều người sẽ cho rằng đó là bản năng động vật. Nhà triết học cổ đại Plato cũng đã từng quan niệm như vậy.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn