Hà Nội

Từ vụ học sinh tử vong khi đi trải nghiệm, cách nào ngăn ngừa rủi ro?

04-04-2024 07:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Hoạt động trải nghiệm đem tới cho học sinh hiểu biết thêm về vùng đất mới với văn hóa, con người, lịch sử… Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm, đáng tiếc khi học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại.

Nam sinh lớp 9 tử vong do đuối nước khi tham gia trải nghiệm cùng trường 

Tại khu vực vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) vừa xảy ra một tai nạn đuối nước thương tâm khiến một nam sinh lớp 9 tử vong. Cụ thể, ngày 31/3, Trường THCS Trần Quốc Toản (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) tổ chức thực hành trải nghiệm hệ sinh thái "một ngày với thiên nhiên" tại khu vực vịnh Vĩnh Hy. Hoạt động đã được nhà trường lên kế hoạch, xin ý kiến của Phòng GD&ĐT.

Theo kế hoạch, 115 học sinh tham gia hoạt động. Ngoài ra còn có 1 phụ huynh và 18 cán bộ giáo viên, nhân viên của trường đi cùng nhằm quản lý, hướng dẫn học sinh.

Sáng 31/3, cả đoàn lên 3 ôtô khách để tới khu nghỉ dưỡng ở Vĩnh Hy, sau đó được hướng dẫn viên đưa xuống tàu ngắm san hô. Do số lượng người khá đông nên đoàn được chia lên 4 tàu, có giáo viên chủ nhiệm và hướng dẫn viên theo cùng. Trong lúc vui chơi, tắm biển thì 4 học sinh bị đuối nước. Những người xung quanh phát hiện đã cứu được 2 học sinh lên bờ. 2 em còn lại được chuyển đi cấp cứu, tuy nhiên 1 em đã tử vong.

Từ vụ học sinh tử vong khi đi trải nghiệm, cách nào ngăn ngừa rủi ro?- Ảnh 1.

Vịnh Vĩnh Hy. Ảnh minh họa.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại văn bản số 3535/BGDĐT-GDTH, hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 trên cả nước, thời lượng 105 tiết/năm học. Nội dung này được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu gồm: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ. Bộ GD&ĐT khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đối với cơ sở giáo dục có đủ điều kiện nhưng cần bảo đảm mục tiêu giáo dục, an toàn cho học sinh.

Hiện nay, hoạt động trải nghiệm được tổ chức ở nhiều trường học trong cả nước. Thực tế cho thấy, đây là hoạt động cần thiết cho học sinh, mang đến sự trải nghiệm cho các em, gắn học với hành, lý thuyết đi đôi với trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm, đáng tiếc khi học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại.

Thời gian tới đây, hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức nhiều hơn trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, do vậy, nhà trường và phụ huynh cần làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh?

Cần được nhìn nhận nghiêm túc và quản lý chặt chẽ hơn

Trao đổi về vấn đề này với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, ThS. Nguyễn Thị Thảo - Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Ngôi sao xanh cho rằng, khi nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cần có những quy định về số lượng học sinh tham gia để thầy cô, phụ huynh hay hướng dẫn viên có thể giám sát một cách sát sao.

Bên cạnh đó, các trường học cũng cần quan tâm đến việc lựa chọn đơn vị có đủ hồ sơ pháp lý và năng lực, trong đó tìm hiểu kỹ về địa điểm, quy trình tổ chức, các trò chơi mà học sinh sẽ tham gia phù hợp với độ tuổi, nhận thức của các em... Những địa điểm quá xa, không phù hợp hoặc những trò chơi thiếu an toàn cho học sinh sẽ không được đưa vào chương trình.

"Học sinh thường hiếu động, nghĩ ra nhiều trò chơi mới lạ nên việc giám sát, quản lý khó có thể phó thác hoàn toàn cho nhà trường. Hơn nữa, mỗi học sinh có một đặc điểm riêng, gia đình cũng cần thông tin kỹ với giáo viên nếu con có những điều cần lưu ý về sức khỏe hoặc tính cách. Đặc biệt, sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường với học sinh trong việc nhắc nhở, quản lý, giám sát suốt tiến trình tham quan dã ngoại cũng góp phần giảm thiểu những tai nạn thương tích và thành công cho mỗi chuyến đi.

Đối với các điểm tổ chức tham quan trải nghiệm cần có hệ thống cảnh báo an toàn với những ghi chú, hướng dẫn ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hành để học sinh nhanh chóng nắm bắt", ThS. Nguyễn Thị Thảo cho biết.

Từ vụ học sinh tử vong khi đi trải nghiệm, cách nào ngăn ngừa rủi ro?- Ảnh 2.

Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh có thêm nhiều kỹ năng. Ảnh minh hoạ.

Còn GS.TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm: "Không thể vì xảy ra những sự cố, những vụ tai nạn đau lòng mà cấm các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm của học sinh".

Theo ông Dong, vấn đề đặt ra là khi tổ chức các hoạt động này, nhà trường, các đơn vị tổ chức cần phải đặt yếu tố an toàn của học sinh lên hàng đầu; có cách tổ chức quản lý thế nào để có thể lường trước về tình huống nguy hiểm hoặc nguy cơ cao để hạn chế tối đa.

Cảnh báo việc tổ chức các chuyến đi dã ngoại luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về an toàn, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu 5 nguyên tắc đảm bảo an toàn cần ghi nhớ trong mỗi chuyến dã ngoại.

Thứ nhất, lựa chọn địa điểm và hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi của học sinh khối lớp. Không chỉ lựa chọn địa điểm tham quan phù hợp đảm bảo an toàn, mà nhà trường cần tìm hiểu trước về địa hình, khí hậu, cơ sở hạ tầng, giao thông, thời tiết để có các chuẩn bị phương tiện và thiết bị phù hợp.

Thứ hai, lập kế hoạch chi tiết cho chuyến tham quan từ lịch trình, địa điểm, các tình huống và mức độ nguy hiểm có thể xảy ra, các quy trình quản lý rủi ro. Tiếp đến là thẩm định và lựa chọn đơn vị tổ chức chuyến dã ngoại có kinh nghiệm, kỹ năng kiểm soát và giải quyết các tình huống khẩn cấp, phân công các giáo viên có kinh nghiệm cùng giám sát.

Thứ ba, đảm bảo các thiết bị an toàn được mang theo từ quần áo, dây đeo an toàn, kính chắn gió, đèn pin… đảm bảo cho từng học sinh.

Thứ tư, đảm bảo nguồn thực phẩm và nước uống an toàn. Chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo nguồn gốc thực phẩm để giúp học sinh có đủ năng lượng và sức khỏe hoàn thành chuyến đi.

Thứ năm, các dấu hiệu nhận diện và cách liên lạc cần được quán triệt đến từng học sinh. Các em phải được nhắc nhở thường xuyên về tính kỷ luật, quy trình xử lý khi gặp hoặc chứng kiến bạn bè trong tình huống rủi ro, nhớ các số điện thoại liên hệ, phương thức liên lạc và kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ phù hợp.

Nam sinh lớp 9 tử vong khi tham gia hoạt động trải nghiệmNam sinh lớp 9 tử vong khi tham gia hoạt động trải nghiệm

SKĐS - Một nam sinh lớp 9 tử vong khi tham gia hoạt động trải nghiệm ở vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận), sau sự cố đuối nước lúc tắm biển.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn