Hiện nay tình trạng vi phạm đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên và học sinh diễn ra ngày càng nhiều với tính chất ngày càng phức tạp, có vụ học sinh trộm cắp, đánh nhau gây thương tích bằng cả vũ khí nóng.
Nguyên nhân của những hành động đó là do sự phát triển lệch lạc về mặt đạo đức, lối sống, xuất phát từ những hành vi rất nhỏ nhặt ban đầu như không vâng lời cha mẹ, vô lễ với thầy cô giáo, không kính trên nhường dưới, lười học tập và lao động, thiếu ý thức rèn luyện bản thân... Vậy nguyên nhân nào xuất hiện những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên? Phải làm gì và làm như thế nào để giáo dục cho một đứa trẻ có những kỹ năng cần thiết, tránh xa những hành vi bột phát dẫn đến việc vi phạm pháp luật? TS Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe và đời sống về vấn đề này.
TS Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐHSP Hà Nội
Phóng viên: Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật như đánh nhau, cờ bạc, trộm cắp, thậm chí sử dụng cả vũ khí .... trong thanh thiếu niên và học sinh có xu hướng gia tăng, theo bà tại sao lại có tình trạng như vậy?
TS Vũ Thu Hương: Chúng ta đã bỏ quên việc giáo dục đạo đức cho trẻ từ rất lâu rồi.Trẻ em ngày nay được nuôi dạy và sống trong một môi trường mà quyền lợi trở nên quan trọng hết thảy, những thứ khác không quan trọng. Ngay cả người lớn cũng quan tâm đến quyền lợi trên hết. Tôi đã chứng kiến cảnh cả xe ô tô toàn người lớn nhưng để 1 đám trẻ con không có chỗ ngồi, chen chúc nhau ngồi ghế dưới cùng, vừa nóng vừa xóc. Họ không quan tâm bất kể điều gì ngoài việc mình đã có được cái lợi lớn hơn người khác dù đó là một đám trẻ con.
Phóng viên: Đây có phải là hậu quả của tình trạng cha mẹ lơ là trong giáo dục đạo đức lối sống cho con em mình ngay từ khi còn nhỏ không thưa bà?
TS Vũ Thu Hương : Dĩ nhiên, đó là nguyên nhân đầu tiên. Ngoài ra, cũng chính những người làm cha mẹ mà quá quan tâm đến lợi ích của riêng mình thì con cũng học hỏi theo. Trẻ em bắt chước người lớn rất nhanh. Giáo dục trẻ biết sống vì người khác, biết sống vì lợi ích của quốc gia đã trở nên quá xa lạ hiện nay.
Phóng viên: Theo bà, cần trang bị cho trẻ những kỹ năng gì để trẻ không phạm phải những hành vi được cho là lệch chuẩn về đạo đức ?
TS Vũ Thu Hương : Việc đầu tiên cha mẹ cần nhớ là hành vi tranh giành, giật đồ chơi chung để cho con mình hoặc xúi con giành giật, đánh lại có thể sẽ đem lại cái lợi trước mắt nhưng lâu dài sẽ tạo cho con suy nghĩ ích kỉ và hám lợi. Dạy con sống hòa đồng, dạy con sẻ chia, dạy con có lý tưởng sống cao đẹp, biết cống hiến cho Tổ quốc sẽ giúp trẻ không phạm phải những hành vi lệch chuẩn về đạo đức. Ngoài ra dạy con sống tôn trọng pháp luật, tuân thủ nghiêm ngặt và có ý thức xây dựng xã hội tốt đẹp sẽ giúp con tránh được những hành vi vi phạm pháp luật.
Phóng viên: Trong giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em, vai trò của nhà trường hay cha mẹ học sinh quan trọng hơn?
TS Vũ Thu Hương : Đương nhiên là cha mẹ rồi. Cha mẹ sinh con ra, hàng ngày ở bên con, suy nghĩ, hành vi và cả quan niệm sống cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến con. Vì thế các cụ ta ngày xưa có câu: Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.
Phóng viên: Làm thế nào để có thể đưa giáo dục đạo đức gắn với việc hình thành kỹ năng sống, giáo dục cho trẻ em ngay từ các bậc học mầm non cho đến lúc trưởng thành có lối sống có kỷ luật, tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật?
TS Vũ Thu Hương : Theo tôi, việc này đòi hỏi sự quan tâm của bộ giáo dục đến việc dạy và học đạo đức trong nhà trường. Ngoài ra, gia đình cũng cần quan tâm ủng hộ các chính sách của Bộ giáo dục và nhà trường. Nếu việc gì cũng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ không thể đem lại kết quả gì tốt đẹp cả.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Hải Yến