Hà Nội

Từ vụ Chủ tịch huyện mất hơn trăm tỷ: Cần làm gì để không trở thành nạn nhân?

26-03-2024 18:44 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Điển hình là vụ lừa đảo qua mạng thời gian gần đây ở Đồng Nai. Cụ thể, ngày 22/3, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ điều tra vụ bà Nguyễn Thị Giang Hương - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa hơn 100 tỷ đồng.

Theo thông tin ban đầu, nhóm lừa đảo công nghệ cao đã yêu cầu bà Hương mở tài khoản. Sau đó, bà Hương huy động tiền từ người thân nạp vào tài khoản. Bằng nhiều cách, nhóm lừa đảo qua mạng đã lấy tiền từ tài khoản của bà Hương, tổng số tiền là khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Hay trước đó, ca sĩ Lương Gia Huy cũng khiến công chúng chú ý khi đăng đàn thông tin anh bị lừa đảo hơn 450 triệu đồng. Theo đó, nam ca sĩ nhận được cuộc gọi của người tự xưng là "nhân viên ngân hàng" liên hệ nhằm phổ biến cho anh về thủ tục nâng hạn mức thẻ tín dụng.

C:\Users\Administrator\Desktop\anh-t50-51.png

Các đối tượng liên tục thay đổi các phương thức lừa đảo. Ảnh minh họa.

Quản lý của nam ca sĩ đã mất cảnh giác, làm theo các yêu cầu của kẻ lừa đảo, hoàn tất thủ tục như chụp ảnh căn cước công dân, thẻ visa, cung cấp mã OTP cho đầu dây bên kia… Phía nam ca sĩ không phát hiện bất thường do trước đó đã được dặn rằng, khi trừ xong sẽ được hoàn tiền lại.

Đến nửa đêm, kẻ lừa đảo rút 200 triệu đồng từ thẻ của Lương Gia Huy và 200 triệu đồng từ thẻ của vợ anh thì nam ca sĩ mới phát hiện, lập tức khóa thẻ. Hôm sau, bọn lừa đảo tiếp tục liên lạc, thúc giục phía nam ca sĩ nộp thêm 50 triệu đồng để đủ điều kiện nâng hạng mức thẻ. Sau khi mất 450 triệu, anh mới bắt đầu tỉnh ngộ.

Cần làm gì để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo?

Xung quanh sự việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, tình hình tội phạm lừa đảo có sử dụng công nghệ cao đang gây nhức nhối trên không gian mạng và phát triển rộng khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Do đặc điểm của hoạt động trên không gian mạng là giao tiếp gián tiếp, việc mạo danh cơ quan tổ chức cá nhân khá dễ dàng.

Các đối tượng lừa hoàn toàn có thể đang sinh sống ở nước ngoài, sử dụng người Việt Nam như một công cụ theo các kịch bản có sẵn để gọi điện, nhắn tin về nước phải thực hiện các phương thức thủ đoạn lừa đảo theo kịch bản mà các đối tượng đã làm việc. Điều đáng chú ý là các đối tượng phạm tội có tổ chức phải có kịch bản rõ ràng, có phân công vai trò khiến cho nạn nhân rất khó có thể phát hiện ra đâu là thật, đâu là giả cho đến khi mất tiền.

"Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, mỗi người cần phải trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết nhất định khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Đặc biệt, khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng, người dùng cần phải hết sức thận trọng, xác định đúng cơ quan tổ chức cá nhân có thẩm quyền thì mới thực hiện các thao tác theo hướng dẫn.

Đối với các hoạt động mua sắm, thương mại điện tử thì cần xác định rõ đối tác, đơn vị bán hàng thì mới chuyển khoản. Phải chuyển khoản đúng vào tài khoản có đăng ký của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà mình giao dịch", luật sư Đặng Văn Cường hướng dẫn.

Luật sư Đặng Văn Cường nói thêm, các đối tượng lừa đảo đánh cắp thông tin người dùng hoặc mua thông tin của người dùng trên mạng internet, làm căn cứ để thực hiện các hoạt động lừa đảo. 

Chính vì vậy, để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc quản lý thông tin cá nhân, bảo mật thông tin cá nhân là một trong những yếu tố có tính chất phòng ngừa tích cực.

Có thể lấy lại tiền sau khi bị lừa đảo hay không?

Trao đổi với một số lãnh đạo ngân hàng (đề nghị không nêu tên), tiền bị lừa đảo thường khó thu hồi ngay cả khi bắt được đối tượng.

Số tiền bị lừa thường được chuyển đi ngay qua nhiều tài khoản hoặc được "rửa" qua một hệ thống phức tạp bằng cách chuyển đổi thành thẻ cào, tiền kỹ thuật số hoặc nạp vào các tài khoản cá độ, chơi game bất hợp pháp.

Khách hàng rất khó có thể yêu cầu ngân hàng đền bù thiệt hại cho các giao dịch được xác thực bởi đầy đủ thông tin đăng nhập và mã OTP xác thực và trên cùng thiết bị mà khách hàng đang sử dụng cho các giao dịch bình thường khác. 

Do đó, hệ thống ngân hàng xác nhận đây là các giao dịch hợp lệ do chủ tài khoản thực hiện đúng theo quy định cung cấp và sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử giữa khách hàng và ngân hàng.

Vì vậy, ngân hàng chỉ có thể phối hợp với cơ quan chức năng để hỗ trợ khách hàng. Các ngân hàng và khách hàng đều phải đợi kết quả điều tra từ cơ quan chức năng.

Ngày 21/3/2024, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Công văn 2235/NHNN-TT về việc triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung cụ thể như sau:

1. Rà soát các quy trình nội bộ về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Chỉ đạo, quán triệt cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện đúng trình tự, thủ tục phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng theo đúng quy định pháp luật khi thực hiện phát hành thẻ cho khách hàng.

2. Rà soát đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của NHNN và pháp luật liên quan. Phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi (đặc biệt là với thẻ tín dụng) và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.

3. Rà soát toàn bộ quy trình xử lý tra soát, khiếu nại theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp phát sinh khiếu nại, phản ánh của khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) xử lý theo đúng quy trình và quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và dứt điểm… ảnh và uy tín của TCPHT…

4. Trường hợp phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng (như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài,…) thông qua quá trình kiểm soát, giám sát, TCPHT cần chủ động thông tin đến khách hàng và phối hợp các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời…

5. Thực hiện các biện pháp truyền thông tới khách hàng (qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông mà khách hàng dễ dàng tiếp cận) về quyền và trách nhiệm của khách hàng trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng. Khuyến cáo khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Công an điều tra vụ Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo 170 tỷ đồng.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn