Mới đây, tại huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm cháu bé 6 tuổi tử vong trong lúc đi du lịch với gia đình.
Theo báo cáo của UBND huyện Ninh Hải, ngày 11/5, vợ chồng anh N.Q. và chị T.T.T.H. dẫn theo 2 con gái (4 tuổi và 6 tuổi) cùng một số người bạn đến bãi Kinh (Ninh Hải) tham quan du lịch và thuê tàu ra bè Bích Tèo (khu vực Bình Hưng) ăn hải sản.
Khi quay trở vào bờ, chị T.T.T.H. vừa bế con gái 4 tuổi, vừa dắt con gái 6 tuổi xuống tàu và bước theo bậc tam cấp để đi lên cầu bến thủy nội địa. Lúc này, chồng chị H. là anh N.Q. vẫn ở trên tàu và đang sử dụng điện thoại. Trong quá trình bước theo bậc tam cấp lên cầu, do bất cẩn, chị T.T.T.H. thả tay con gái 6 tuổi ra, cháu này đã bị say sóng nên ngã sấp xuống bậc tam cấp, bất tỉnh tại chỗ.
Sau đó, cháu bé được đưa đến bệnh viện nhưng vết thương quá nặng và đã tử vong. Công an huyện Ninh Hải xác định đây là vụ tai nạn do sự bất cẩn của vợ chồng anh Q., chị H. trong việc trông coi, giám sát con gái của mình.
Từ sự việc trên, chuyên gia tâm lý, ThS. Ngô Thế Lâm (Đại học Khánh Hòa) khuyến cáo, các phụ huynh khi đưa con em đi du lịch hoặc đi chơi những nơi công cộng như công viên, siêu thị… cần theo dõi sát sao từng bước đi của con em mình. Đặc biệt, những lúc lên xe, lên tàu, lên xuống cầu thang, cha mẹ cần bế hoặc dắt trẻ.
"Ở những thời điểm lên xe, lên tàu …phụ huynh cần tập trung hỗ trợ con em mình, đây là trách nhiệm. Sao nhãng một chút có thể xảy ra sự cố đáng tiếc, đồng thời, phụ huynh không nên vừa sử dụng điện thoại, Ipad vừa hỗ trợ con, vì dẫn đến sự phân tâm", ThS. Lâm nói.
ThS. Ngô Thế Lâm cũng khuyến cáo, phụ huynh, nhà trường cần tăng cường trang bị thêm kỹ năng sống cho các em. Vấn đề trang bị kỹ năng sống cho trẻ từ sớm là rất quan trọng. Cụ thể như, dạy trẻ kỹ năng biết cầu cứu khi gặp sự cố, biết xử trí khi bị lạc đường bằng cách giúp các em đọc thuộc, ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, người thân... Dạy trẻ khi đến chỗ đông người, đi du lịch phải luôn phải nắm tay cha mẹ hoặc người quen. Tuyệt đối không theo người lạ.
Cùng với đó, cha mẹ cần trang bị thêm biện pháp phòng ngừa khi trẻ bị lạc trong quá trình đi du lịch như dán thông tin của bố mẹ, số điện thoại, địa chỉ nhà… lên quần áo hoặc để trong cặp, túi của trẻ. Dạy trẻ em hãy đứng ở vị trí quen thuộc nếu không thấy cha mẹ để cha mẹ dễ dàng tìm kiếm. Khi đưa trẻ đi du lịch, phụ huynh cần chuẩn bị thêm một số loại thuốc thông thường như thuốc cảm cúm, hạ sốt, thuốc ho, thuốc chống dị ứng, men tiêu hóa để sử dụng khi cần.
Khi đi du lịch đến những vùng biển thì chỉ cho trẻ chơi hoặc tắm nơi gần bờ, có người trông giữ, giám sát cẩn thận. Phải mặc áo phao cho trẻ hoặc dùng phao bơi, dù trẻ đã biết bơi cũng không được chủ quan.
"Thực trạng hiện nay, một số phụ huynh xem con mình là 'con vàng, con bạc' nên quá bao bọc, làm thay trẻ quá nhiều việc dẫn đến các em thiếu trầm trọng kỹ năng xử lý một số tình huống, nhất là khi không có người lớn bên cạnh. Điển hình như, một số trẻ 6-7 tuổi chưa biết mặc áo phao hay cột dây giày khi leo núi hoặc đi picnic…
Cùng với đó, một số trường học chưa quan tâm đến việc dạy ngoại khóa, trang bị kỹ năng sống cho trẻ mà quá chú trọng đến đến điểm số. Điều này cũng một phần dẫn đến trẻ thụ động và bối rối trước những sự cố gặp phải", ThS. Lâm chia sẻ.
Cũng theo ThS. Lâm, kỳ nghỉ hè sắp tới, lượng trẻ được các gia đình cho đi du lịch rất nhiều nên những vấn đề nêu trên phụ huynh cần chú ý.