Hà Nội

Từ vụ Cát Tường bàn về y đức và đạo lý

13-11-2013 09:46 | Y tế
google news

Chúng ta không vì một trường hợp như vụ Cát Tường mà phủ nhận công lao của trên 400 ngàn nhân viên và khoảng 13 ngàn cơ sở y tế trong cả nước, trong đó có rất nhiều cán bộ, bác sỹ, nhân viên tâm huyết, giỏi nghề, luôn lấy cứu người làm trọng.

Chúng ta không vì một trường hợp như vụ Cát Tường mà phủ nhận công lao của trên 400 ngàn nhân viên và khoảng 13 ngàn cơ sở y tế trong cả nước, trong đó có rất nhiều cán bộ, bác sỹ, nhân viên tâm huyết, giỏi nghề, luôn lấy cứu người làm trọng.
 
Thời gian vừa qua, ngành Y tế đã gặp nhiều “sự cố” liên quan đến y đức của người thầy thuốc, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, điển hình là vụ Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai mở Trung tâm thẩm mỹ hành nghề khi chưa có giấy phép, gây tử vong cho khách hàng và còn ném xác nạn nhân xuống sông phi tang. Bất kỳ ai có lương tâm khi nghe tin này đều bàng hoàng, phẫn nộ và không thể chấp nhận được.
 
Thẩm mỹ viện của bác sĩ Tường không có giấy phép hoạt động, kể cả có giấy phép thì cũng không được phép làm thẩm mỹ như Trung tâm đã quảng cáo và làm, bản thân bác sĩ không đúng chuyên ngành nên dễ để xảy ra tai biến, nhưng xử lý tình huống rất kém. Sự việc xảy ra trong giai đoạn có nhiều vấn đề nổi cộm của ngành Y tế nên vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn. Không thể chấp nhận được hành động của bác sĩ này và cũng không thể phủ nhận là có một số cán bộ y tế có hành vi sai trái và biểu hiện xuống cấp về y đức. Tuy nhiên, không vì trường hợp như vậy mà phủ nhận công lao của nhiều cán bộ ngành Y tế với trên 400 ngàn nhân viên và khoảng 13 ngàn cơ sở y tế trong cả nước, trong đó có rất nhiều cán bộ, bác sỹ, nhân viên tâm huyết, giỏi nghề, luôn lấy cứu người làm trọng. Trường hợp này chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” và chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục, sửa chữa cho tốt hơn. Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nhưng riêng nghề y càng cần hơn nữa sự sáng về y đức, sâu về y đạo và giỏi về y thuật để tận tâm với nghề, với người bệnh, dám chịu trách nhiệm, kể cả bản lĩnh đối mặt với tai nạn nghề nghiệp, những tai biến không lường trước. Nhưng dù thế nào, để xảy ra thương vong cũng là đau xót của ngành, và đặc biệt là mất mát quá lớn của gia đình nạn nhân. 
Từ vụ Cát Tường bàn về y đức và đạo lý 1
Ảnh minh họa
Trong chương trình “Giao lưu trực tuyến: Hiến kế ngăn chặn suy giảm y đức” ngày 31/10/2013 vừa qua, độc giả Đào Quang Vinh đã hỏi: “Có ý kiến cho rằng, những thầy thuốc thế hệ gần đây không những kém về y đức mà còn kém cả về chuyên môn. Tôi cũng là một học trò của Gs. Đặng Hanh Đệ cách đây gần 30 năm, hồi đó chúng tôi học “thầy ra thầy, trò ra trò”, chúng tôi cũng không được học nhiều về y đức, nhưng chúng tôi học điều đó ở các thầy, ở xã hội, thậm chí ở cả những người bệnh nữa... Còn bây giờ có lẽ giờ học y đức nhiều hơn thời chúng tôi học nhưng vẫn xảy ra nhiều chuyện đáng buồn trong ngành y. Liệu có phải do không chú trọng đến việc dạy y đức không? Hay đây là hậu quả chung về đạo đức, lối sống của toàn xã hội (luôn quan niệm tiền nặng hơn đạo đức; tiền dày thì đức sẽ mỏng)? Với hoàn cảnh xã hội hiện nay, liệu chú trọng việc đào tạo y đức có cải thiện được chất lượng về y đức trong ngành y không?” và được Giáo sư, bác sĩ Đặng Hanh Đệ trả lời: “Đây chính là hậu quả của tình trạng suy thoái đạo đức chung. Theo quan điểm của tôi, dù có chú trọng cải thiện về vấn đề dạy đạo đức trong nghề y cũng không thể cải thiện được tình trạng suy giảm về chất lượng y đức trong ngành y”.
 
Bác sĩ Tường làm giải phẫu thẩm mỹ, với mục tiêu làm đẹp trên người không phải là bệnh nhân. Đối tượng của giải phẫu thẩm mỹ là “khách hàng”, không phải là bệnh nhân mà là những người bình thường và khoẻ mạnh. Đối tượng của y khoa là bệnh nhân. Ngành Y có nhiệm vụ cứu người, chữa bệnh, và phòng bệnh. Nếu xét theo khía cạnh này, vừa qua báo chí nêu y đức của vị bác sĩ phi tang thi thể khách hàng là có phần lệch hướng và không công bằng đối với các thầy thuốc ngành Y làm nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người. Hành động của bác sĩ đó đã vượt ra ngoài phạm vi y đức, mà là đạo lý làm người. 
 
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về y tế, chấn chỉnh các hoạt động KCB tư nhân, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với dịch vụ y tế ngoài công lập, ngày 04/11/2013, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tăng cường quản lý nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập. Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao ngành Y tế với hơn nửa triệu cán bộ nhân viên, gần 13.000 cơ sở y tế công lập đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuổi thọ của Việt Nam cao hơn so với các nước có cùng thu nhập chủ yếu nhờ ngành Y tế. Nhiều thành tựu của ngành Y tế được bạn bè quốc tế ca ngợi và học tập. Ngay sau Hội nghị, Bộ Y tế đã  triển khai một số việc cụ thể sau:
 
Lắp đặt camera tại tất cả các khoa phòng của bệnh viện. Thiết lập 3 đường dây nóng tại 3 cấp: 1) Tại các khoa khám bệnh, chữa bệnh nối với các trưởng khoa và bộ phận trực 24/24h, đường dây nóng nối đến Ban Giám đốc bệnh viện; 2) Đường dây nóng của Sở Y tế 63 tỉnh/thành và công khai số điện thoại của Lãnh đạo Sở Y tế; 3) Đường dây nóng của Bộ Y tế sẽ trả lời 3 lĩnh vực như sau: Công tác khám chữa bệnh; Tai biến sản-nhi; và tinh thần, thái độ phục vụ, ứng xử của cán bộ y tế. Số điện thoại đường dây nóng là 0973306306, hộp thư duongdaynongyte@gmail.com. 
 
Song song, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử và Chỉ thị triển khai đường dây nóng tại các bệnh viện để quy định các chế tài về thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Những cá nhân được phản ánh qua đường dây nóng có thái độ phục vụ không tốt hoặc để ra sai sót chuyên môn sẽ chịu trách nhiệm trước Giám đốc bệnh viện, Giám đốc bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc bệnh viện tuyến Trung ương và Giám đốc Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế.
 
Giang Nguyễn - Duy Quang
 
Mọi bài vở tham gia diễn đàn "Y đức - Đạo lý" xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!
 
 

Ý kiến của bạn