Từ vụ cá chết bất thường ở Hồ Tây: Báo động tình trạng ô nhiễm hồ ở Hà Nội

07-10-2016 14:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Về việc cá chết bất thường ở Hồ Tây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&CN...

Về việc cá chết bất thường ở Hồ Tây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&CN, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội và thành phố Hà Nội khẩn trương xác định nguyên nhân và công bố công khai trong thời gian sớm nhất. Từ đây cho thấy tình trạng ô nhiễm của các hồ tại Hà Nội đang ở mức báo động.

Cần sự quản lý chặt chẽ về môi trường của chính quyền địa phương

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Tình trạng cá chết ở Hồ Tây là nghiêm trọng chưa từng có, hiện nay quận đang phối hợp với Chi cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT lấy mẫu nước, tìm nguyên nhân cá chết, dự kiến một tuần nữa mới có kết quả. Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, các lực lượng đã thu gom được gần 100 tấn cá chết. Số lượng cá chết diễn ra trên diện rộng cả ở tầng nước mặt và tầng nước lửng có độ sâu khoảng 2m nước. Giống cá chết nhiều nhất là cá mè, rô phi và cá dầu, thậm chí cá chép, cá trắm cỡ 5-6kg cũng đã chết nổi trắng mặt hồ. Theo kết quả xét nghiệm ngày 3/10 thì toàn bộ nước mặt của Hồ Tây có mức ôxy bằng 0. Tỉ lệ amoni tăng 20mg/l, cao gấp 3 lần so với quy định. Hiện nay, TP. Hà Nội đã thực hiện các giải pháp làm sạch nước, tăng cường ôxy. Đến nay hiện tượng cá chết đã không còn, các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương truy tìm nguyên nhân. Hiện chưa có kết luận chính thức về vụ cá chết ở Hồ Tây nhưng kết luận ban đầu là nước hồ quá ô nhiễm...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ đạo vụ việc cá chết ở Hồ Tây.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Về mặt khoa học mà nói hàm lượng ôxy hòa tan trong nước cực kỳ thấp hoặc bằng 0 thì mới có thể xảy ra hiện tượng cá chết như vậy. Tuy vậy, về mặt cảm quan có thể thấy số lượng hơn 200 nhà hàng khách sạn và các dịch vụ kèm theo thì có thể thấy ngoài rác thải, chất thải có một lượng lớn các chất tẩy rửa trong đó nitơ và phốt pho là hai chất cực kỳ lớn trong các chất tạo bọt như xà phòng, nước rửa bát..., những chất này nếu xả thẳng xuống hồ là nguồn tạo ra “phú dưỡng” (chất gây ô nhiễm cho Hồ Tây) và đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết bất thường.

Cũng theo bà Lý, để bảo vệ Hồ Tây trước hết phải bảo vệ nguồn nước và đảm bảo cho hệ sinh thái của hồ tồn tại và phát triển. Mặt khác, chất lượng nước thải trước khi thải xuống Hồ Tây phải được xử lý theo tiêu chuẩn. Vì chức năng của hồ là chức năng cảnh quan, điều tiết lũ, điều hòa không khí... theo đó đòi hỏi chất lượng nước hồ phải tốt.

Hồ Tây có diện tích rộng hơn 500ha, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất nội thành Hà Nội, với chu vi khoảng 18km2 và có một hệ sinh thái khá đa dạng. Chính vì vậy mà cá chết với số lượng lớn như những ngày qua là hiện tượng bất thường. Trong khi chờ đợi kết quả nguyên nhân cá chết bất thường ở Hồ Tây thì mỗi ngày Hồ Tây vẫn phải hứng hàng nghìn mét khối nước thải, rác thải chưa được xử lý từ các nhà hàng, quán ăn và người dân sinh sống ven hồ, trong khi đó việc quản lý giám sát nước xả thải ra hồ lại chưa được chính quyền thành phố quan tâm đúng mức.

Hà Nội đang làm mọi cách để cứu hệ sinh thái và mặt nước Hồ Tây.

Báo động ô nhiễm ao hồ ở Hà Nội

Hà Nội không chỉ có cá chết bất thường như ở Hồ Tây, trước đó, vào sáng 8/6, người dân khu vực hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đã ghi nhận hiện tượng cá chết nổi trắng hồ, số lượng cá được lực lượng chức năng vớt ước khoảng 5 tấn. Thực tế trong thời gian qua tại Hà Nội ghi nhận tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối tại các hồ trong khu vực nội thành như: hồ Ngọc Khánh, hồ Hố Mẻ, hồ Ba Mẫu... bốc mùi hôi thối; hồ Linh Quang, hồ Linh Đàm, Định Công, Yên Sở... cá chết rải rác, đó là thực trạng hiện nay của một số hồ ở Thủ đô Hà Nội. Thay vì chúng là những “lá phổi xanh”, tạo cảnh quan và nơi vui chơi cho người dân thì không ít hồ, ao ở trung tâm Thủ đô lại trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, có nguy cơ là ổ phát sinh dịch bệnh...

Bà Lý cho biết thêm, theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng cho thấy: Tổng số lượng ao, hồ ở Hà Nội là 112 với tổng diện tích mặt nước hồ là 6.969.305m2. Có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Có thể kể đến như: hồ Văn Chương, hồ Linh Quang, hồ Thiền Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu,... Bên cạnh các ao, hồ còn có các sông cũng trong tình trạng ô nhiễm tương tự như: Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Tích...

Hóa chất “giải cứu Hồ Tây “ được sử dụng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường là vì nước thải sinh hoạt của các khu dân cư từ các cống đổ thẳng ra các sông, hồ này. Thậm chí, rác thải sinh hoạt được các hộ dân xung quanh vứt xuống sông, hồ. Chính từ những ô nhiễm này đã làm gia tăng nồng độ các chất hữu cơ, do đó làm mất khả năng tự làm sạch của sông, hồ và khiến cho nước ở các sông, ao, hồ bẩn đục, hôi thối, ô nhiễm... Có thể thấy rằng, bảo vệ môi trường hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và văn hóa ứng xử của mỗi người dân. Không gian sinh thái và lãng mạn của Hồ Tây nói riêng và các hồ của Thủ đô nói chung sẽ không còn giá trị, không còn đi vào trong câu thơ, bài hát nữa nếu tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn