Liên quan đến vụ việc bé gái 8 tuổi đang vui chơi ở sân chung cư Gelexia Riverside Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ bị vật cứng rơi trúng đầu gây thương tích, chảy máu phải đi cấp cứu, Công an phường Yên Sở đã làm việc với gia đình cháu bé.
Theo anh Đặng Xuân Trịnh (bố của cháu bé), đây không phải lần đầu xảy ra sự việc này. Trước đó, tại chung cư Gelexia Riverside Yên Sở đã xảy ra nhiều trường hợp vật thể lạ rơi từ trên cao xuống khu vực vui chơi, lối đi lại, đe dọa sự an toàn, tính mạng của cư dân.
Thực tế, đã có những vụ việc tương tự xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Như vụ việc năm 2018, trong lúc đang chơi ở bên dưới chung cư 15 tầng, một bé trai 3 tuổi sống tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An) đã bị một viên gạch rơi từ tầng cao chung cư xuống trúng người, dẫn đến tử vong.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, ném đồ từ tầng cao chung cư là hành vi nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư theo quy định tại khoản 3 Điều 2 phụ lục 1 Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với hành vi này mà mới chỉ có quy định dẫn chiếu.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 8 Phụ lục số 01 Thông tư 02/2016/TT-BXD, người có hành vi vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư hoặc vi phạm Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì tùy theo mức độ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại gây ra.
Do đó, trường hợp có hành vi vi phạm, có thể áp dụng một số quy định liên quan để xử lý.
Cụ thể, người thực hiện hành vi làm rơi đồ từ nhà chung cư cao tầng xuống đất mà có tính chất "cố tình" ném chất thải, chất bẩn vào người khác thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
Theo đó, người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Nếu cố tình ném/vứt đồ vật từ ban công/cửa sổ xuống đất mà làm tổn hại sức khỏe cho người khác từ 11% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trường hợp vô tình làm rơi đồ vật mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 về "Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".
Trong trường hợp xấu hơn là làm chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc "Tội vô ý làm chết người" Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, và việc truy cứu theo tội danh nào còn phải tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi đó và đặc biệt theo ý thức chủ quan của người ném đồ.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường toàn bộ các thiệt hại do hành vi của mình gây ra theo các quy định của Bộ luật dân sự nếu làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.