Hà Nội

Từ vụ bé 6 tuổi gặp nạn khi được lấy ráy tai, cảnh báo thói quen gây hại tai con nhiều cha mẹ mắc phải

14-07-2022 15:45 | Y tế
google news

SKĐS - Nhiều cha mẹ có thói quen dùng tăm bông để lấy ráy tai ở trẻ mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tắm, bác sĩ nói điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ chấn thương ống tai ngoài-màng nhĩ.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhi N.T.N.D (6 tuổi) gặp sự cố khi được người nhà lấy ráy tai bằng que. 

Theo lời kể của gia đình, trong lúc dùng que lấy ráy tai thì vô tình va trúng người thân, khiến cây lấy ráy tai xuyên thẳng từ ống tai ngoài vào tai giữa gây kẹt ở hòm nhĩ, không lấy ra được.

Người nhà đưa bé đến cơ sở y tế địa phương để lấy dị vật nhưng không xử lý được nên đã chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cấp cứu.

Từ vụ bé 6 tuổi gặp nạn khi được lấy ráy tai, cảnh báo thói quen gây hại tai con nhiều cha mẹ mắc phải - Ảnh 1.

Chiếc que lấy ráy tai dài 5cm làm rách da ống tai xuyên thẳng qua phần màng chùng gây khối máu tụ.

Tại đây, các bác sĩ đã lấy ra dị vật kim loại là chiếc que lấy ráy tai dài 5cm làm rách da ống tai, xuyên thẳng qua phần màng chùng gây khối máu tụ. Bé đang được tiếp tục chữa lành vết thương và đánh giá lại bằng các thăm dò chức năng tai.

Ráy tai có phải là chất thải và khi nào nên lấy?

ThS.BS Bùi Quang Duy - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, cho hay ráy tai không phải là "chất thải" cần được "làm sạch", vì nó có tác dụng có lợi với cơ thể, chỉ lấy ráy tai khi cần thiết. Việc lấy ráy tai phải được thực hiện một cách an toàn, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Ráy tai là một sản phẩm được tạo thành từ tế bào da chết, lông tai, và các chất tiết ra từ các tuyến bã nhờn của ống tai ngoài. Ráy tai có thể khô hay ướt, màu nâu, cam, đỏ, vàng hoặc xám.

Ráy tai giúp bảo vệ da của ống tai ngoài, hỗ trợ làm sạch và bôi trơn, đồng thời chống lại vi khuẩn, nấm và nước. Đó cũng là hàng rào bảo vệ màng nhĩ khỏi những tổn thương do dị vật hay côn trùng nhỏ… 

Nếu tạo nhiều ráy tai có thể dẫn đến: bít tắc ống tai, giảm sức nghe do cản trở dẫn truyền âm thanh, chèn ép da ống tai và màng nhĩ gây ngứa tai, ù tai, đau tai...

Theo BS Duy, việc lấy ráy tai, làm sạch tai mỗi ngày là không cần thiết và có thể gây hại vì khi tai quá sạch, không còn ráy tai, da ống tai sẽ không còn được bảo vệ trước vi khuẩn, nấm, nước, hay những dị vật, côn trùng…

Từ vụ bé 6 tuổi gặp nạn khi được lấy ráy tai, cảnh báo thói quen gây hại tai con nhiều cha mẹ mắc phải - Ảnh 2.

Việc lấy ráy tai, làm sạch tai mỗi ngày là không cần thiết và có thể gây hại

Nhiều cha mẹ có thói quen dùng tăm bông để lấy ráy tai ở trẻ mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tắm, bác sĩ nói điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ chấn thương ống tai ngoài-màng nhĩ. Đó là do trẻ nghịch ngợm, có thể quay đầu bất ngờ khiến tăm bông chọc vào ống tai-màng nhĩ với lực mạnh gây trầy da ống tai, chảy máu, nguy hiểm hơn là thủng màng nhĩ, dẫn đến viêm tai ngoài, viêm tai giữa và giảm sức nghe…

BS Duy khuyên cha mẹ chỉ nên lấy ráy tai trong các trường hợp ráy tai quá nhiều làm bít tắc ống tai (hay còn gọi là nút ráy tai) gây ù tai, đau tai, nghe kém…; Ngứa tai; Viêm tai ngoài; Ở người đeo máy trợ thính.

Một chỉ định lấy ráy tai thường gặp nhất ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là trẻ cần làm sạch ống tai để khám tai nhằm chẩn đoán bệnh lý của tai mũi họng; tầm soát thính lực ở trẻ sinh non, nghe kém…  

Lấy ráy tai như thế nào cho an toàn?

Theo lời khuyên của BS Duy, nếu lấy ráy tai cho trẻ tại nhà, cha mẹ dùng các sản phẩm làm mềm ráy tai: chai xịt hoặc nhỏ giọt, được thực hiện 2-3 lần/ngày trong 2 tuần. Nút ráy tai được làm mềm và đẩy ra ngoài do cơ chế tự làm sạch của ống tai. Nếu lượng ráy tai quá nhiều, không tự đẩy ra hết, cần được hút sạch tại phòng khám Tai Mũi Họng.

Lấy ráy tai cho trẻ đúng cáchLấy ráy tai cho trẻ đúng cách

SKĐS - Ráy tai là chất nhằm bảo vệ tai khỏi bụi bẩn, các dị vật, thậm chí cả sinh vật.


V.Thu
Ý kiến của bạn